TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thứ hai - 22/07/2024 06:24
  •  

Trường Đại học Sao Đỏ đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống mua bán người

Thực hiện Kế hoạch số 4688/KH-BCT ngày 04/7/2024, Công văn số 559/BCT ngày 09/7/2024 của Bộ Công Thương về việc triển khai hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng ngày “Thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”. Trường Đại học Sao Đỏ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống mua bán người tới toàn thể cán bộ viên chức giảng viên và sinh viên
Tình hình nạn mua, bán người trên thế giới và tại Việt Nam
Hình minh họa (Internet)
Hình minh họa (Internet)
Tình hình nạn mua, bán người trên thế giới và tại Việt Nam
     Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên Thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra; trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
     Trước tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, bất ổn, lạm phát gia tăng. Nền kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Người lao động có nhu cầu về việc làm, thu nhập cao chưa được đáp ứng được đầy đủ. Do đó, nhiều người dân đã bất chấp vi phạm pháp luật để vượt biên, di cư trái phép ra nước ngoài để làm ăn, sinh sống. Bên cạnh đó, một số người có tâm lý không muốn làm nhưng muốn hưởng thụ. Nắm bắt được tâm lý và lòng tham của con người, các đối tượng xấu đã tìm cách tiếp cận, dụ dỗ,... biến họ trở thành những nạn nhân trong các đường dây mua bán người.
Các phương thức và thủ đoạn của tội phạm mua bán người
     Các đối tượng lợi dụng khó khǎn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa bán phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber...) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép.
     Các đối tuợng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook... tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao..., lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke, quán cắt tóc, massage để cưỡng bức lao động hoặc tổ chức hoạt động mại dâm.
     Thông qua mạng xã hội các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt, tuyển lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc trong các casino, công ty đánh bạc hoặc lừa đảo trực tuyến; nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn; một số trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc bị các đối tượng bắt lại đánh đập, ngược đãi hoặc bán sang cơ sở khác... dẫn đến việc một số lao động phải trốn chạy và nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
     Các đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm các thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính.
     Các đối tượng lập Hội, nhóm kín "Cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi hoặc tiếp cận với nhân viên y tá, điều dưỡng bệnh viện để lấy thông tin, chủ động tìm những phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con nhưng không có nhu cầu nuôi con, sau đó đặt vấn đề xin hoặc mua lại những đứa trẻ mới sinh, tìm người bán lại nhằm thu lợi bất chính.
   Nhiều trường hợp bị các đối tượng dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán người lao động cho các chủ tàu khai thác thủy sản trên biển để cưỡng bức lao động ...
Cán bộ viên chức, người lao động, sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ cần làm gì để phòng, chống mua bán người?
     Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết toàn thể cán bộ viên chức, người lao động và sinh viên nhà trường cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân:
     Đối với cán bộ viên chức, người lao động: Luôn cảnh giác, đề phòng kết thân với người lạ rủ hợp tác làm ăn. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán.
     Đối với sinh viên: Luôn cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar… trong nước và nước ngoài, hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Sinh viên khi đi cùng với bạn đến các địa điểm, địa danh mà mình định đến hãy tìm hiểu về nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa; luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.
     Để công tác phòng chống tội phạm mua bán người thực sự đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng trong cộng đồng, cán bộ viên chức, người lao động và sinh viên nhà trường cần nhận thức, hiểu rõ được tội phạm mua bán người như thế nào? Các phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm, hậu quả nguy hại của mua bán người đối với xã hội… do vậy khi thấy có hành vi nghi ngờ có tội phạm mua bán người cần báo ngay cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất để kịp thời đấu tranh.
     Nắm rõ, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người, kiên quyết đấu tranh với hành vi phạm tội này, không bao che hay giúp sức cho những đối tượng thực hiện hành vi mua bán người.
     Trong quá trình điều tra các vụ án về mua bán người thì mọi người liên quan cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, cung cấp đầy đủ, chi tiết các thông tin mà mình biết được để cơ quan công an làm rõ tội phạm và hành vi phạm tội, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây lợi dụng mạng xã hội để mua bán người xuyên quốc gia.
     Tại phố, phường mình sinh sống nếu thấy những nạn nhân bị mua bán trốn được trở về địa phương sinh sống còn có tư tưởng chần chừ, do dự, tâm lý e ngại và lo lắng, sợ sệt thì cần phân tích, động viên để họ đến cơ quan công an tố giác tội phạm, khai báo, hợp tác để phục vụ công tác thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ giải quyết về tội phạm mua bán người.
     Giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh… giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
     Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi cán bộ viên chức, người lao động và sinh viên nhà trường hãy tích cực tuyên truyền đến toàn thể nhân dân cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.

Tác giả bài viết: Ban biên tập

Phóng sự ảnh
Tạp chí Công thương
Cuộc thi tìm hiểu pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây