TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thứ ba - 24/01/2017 14:05
  •  

Ngày tết quê em

          Tết cổ truyền của dân tộc luôn mang một ý nghĩa sâu sắc, một giá trị nhân văn cao cả, đó là Tết đoàn viên, Tết sum vầy, là dịp để những người con xa quê được trở về đoàn tụ với gia đình, được sum họp, quây quần bên mâm cơm đoàn viên. Không những vậy, Tết còn là ngày đoàn tụ với những người đã khuất, là lúc để con cháu mời hương linh ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình.
         Có lẽ tôi may mắn hơn không ít bạn bè cùng trang lứa vì được sinh ra và lớn lên tại một làng quê thuần Việt (Bắc Giang) với lũy tre xanh, cây đa, giếng nước, sân đình, … nên ngày Tết quê tôi phần nào cũng đậm đà hơn và mang đậm những giá trị truyền thống với những phong tục, tập quán từ bao đời nay, như tục ăn đụng lợn, gói bánh chưng.
          Tuy đã 22 tuổi nhưng bản thân tôi vẫn chưa bao giờ hết háo hức với nồi bánh chưng xanh ngày Tết. Từ việc ngồi tỉ mẩn rửa từng chiếc lá, chiếc lạt, cẩn thận gói từng chiếc bánh đến việc ngồi trông nồi bánh nhiều giờ đồng hồ tới bỏng rát, đỏ hồng gò má, thậm chí là ngủ gật lúc nào chẳng hay đều hạnh phúc đến lạ kỳ. Tuổi thơ của lũ trẻ nơi làng quê chúng tôi đều gắn liền với hình ảnh mỗi đứa một chiếc bánh chưng nho nhỏ được bố mẹ gói riêng đeo ở trước ngực và hân hoan chạy khắp xóm những ngày giáp Tết, đứa nào chưa có bánh là nhà chưa có Tết, và phải giục bố mẹ gói nhanh cho kỳ được.
        Bắc Giang quê tôi ngoài bánh chưng vuông đại diện cho đất như trong truyền thuyết Lang Liêu thì còn bánh chưng tròn đại diện cho sự tròn trịa, đầy đặn của tình cảm gia đình và mong có một năm mới ấm no, hạnh phúc.
         Và đặc biệt khi nhắc đến Tết quê hương mình thì tôi chẳng thể quên kể đến tập tục dựng cây đu ngày Tết ở sân bóng trước đình làng. Hàng năm, cứ vào khoảng 24, 25 Tết, dân làng lại cùng nhau đi chọn những cây tre to, chắc chắn nhất để dựng một cây đu làm nơi vui chơi cho dân làng sau một năm lao động vất vả.
         Bà tôi kể, ngày trước chưa có nhiều địa điểm vui chơi như bây giờ nên cây đu ngày Tết là một nơi lý tưởng để nam thanh niên trong làng vui chơi, hẹn hò, và cũng đã có không ít người nên vợ, nên chồng từ câu hát trao duyên ở cây đu này. Ngày nay, có không ít những địa điểm và những trò chơi hấp dẫn nhưng cây đu ấy vẫn là niềm thích thú với thanh niên chúng tôi, nó vẫn mang một cái gì đó ấm áp, gần gũi, thiêng liêng khó diễn tả mà những trò chơi hiện đại chẳng thể nào có được.
        Xã hội phát triển, Tết cổ truyền cũng ít nhiều thay đổi, gần đây có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên bỏ Tết cổ truyền để bắt kịp nhịp phát triển kinh tế. Thiết nghĩ Tết đâu phải để ăn gì? Làm gì? Chơi bời ra sao. Hôm nay đây khi không khí Tết đang ngập tràn trên mọi nẻo đường của quê hương Việt Nam, xin được cầu chúc một năm mới nhà nhà ấm no, hạnh phúc, chúc cho quê hương Việt Nam ngày càng phát triển, chúc “Tết cổ truyền” mãi là 3 từ làm ấm lòng những người con đất Việt.

Tác giả bài viết: Sinh viên Thân Thị Thu Hà - lớp DK05-M3

Phóng sự ảnh
Tạp chí Công thương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây