TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thứ sáu - 04/08/2017 10:48
  •  

Hiệu quả từ công trình đạt giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC)

          Nghiên cứu khoa học được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ cho sự phát triển của nhà trường. Chính vì vậy, Trường Đại học Sao Đỏ luôn xác định nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ là một trong những nội dung then chốt để xây dựng và phát triển Nhà trường bền vững.
          Trong năm 2017, cùng với việc triển khai có hiệu quả các hội thảo khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, đẩy mạnh sáng tạo khoa học trong sinh viên,… nhà trường còn tích cực tham gia các Hội thi về khoa học công nghệ được tổ chức rộng rãi trong cả nước như giải thưởng Khoa học – Công nghệ Côn Sơn Hải Dương lần thứ IV, Robocon 2017,…. Đặc biệt công trình khoa học “Nghiên cứu, xây dựng quy trình xử lý, phục hồi nâng cao hiệu suất làm việc của trục vít ép đùn trong lĩnh vực sản xuất gạch, ngói lên 1,5 lần tương đương 1.200.000 sản phẩm/lượt” đã đạt giải Khuyến khích tại Giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam. Đây là công trình nghiên cứu thiết thực, góp phần hiệu quả trong việc triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

TS. Ngô Hữu Mạnh (người đứng thứ hai từ trái qua) nhận
Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam
          Xuất phát từ thực tế hiện nay các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói thường sử dụng kỹ thuật hàn truyền thống để phục hồi trục vít ép đùn. Tuy nhiên, chất lượng bề mặt và tuổi thọ của sản phẩm không cao, phụ thuộc rất nhiều vào quy trình công nghệ hàn, vật liệu hàn và đặc biệt là đặc tính của nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất. Từ thực tế đó nhóm tác giả đưa ra giải pháp công nghệ như công nghệ vật liệu, công nghệ xử lý nhiệt, công nghệ hàn để nhận được tổ chức kim loại lớp bề mặt như mong muốn. Giải pháp đã nâng cao hiệu quả làm việc cho trục vít ép đùn, giải quyết đồng thời hai bài toán về kinh tế và kỹ thuật giúp tuổi thọ và thời gian làm việc của trục vít tăng lên khoảng 1,5 lần so với sản phẩm đang sử dụng tại doanh nghiệp. Sản lượng ép đùn tăng 1,5 lần, tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và giảm thời gian thay thế, sửa chữa.
          Công trình đã được ứng dụng vào quá trình sản xuất gạch, ngói tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, được các đơn vị sử dụng đánh giá cao về tính khoa học và thực tiễn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khoản tiền chênh lệch từ 17.000.000 – 20.000.000 đồng/trục vít. Đây là một trong các yếu tố giúp doanh thu của các doanh nghiệp tăng khoảng 24,57 tỷ đồng/năm.
        Hiệu quả từ công trình nghiên cứu đã khẳng định năng lực nghiên cứu của giảng viên nhà trường, là động lực khuyến khích giảng viên, sinh viên nhà trường đi sâu nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu.

Tác giả bài viết: Bích Thủy

Phóng sự ảnh
Tạp chí Công thương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây