TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thứ bảy - 03/10/2020 09:49
  •  

TS. Đào Ngọc Báu nói chuyện chuyên đề “Văn hóa ứng xử nơi công cộng và văn hóa học đường”

    Văn hoá ứng xử nơi công cộng và văn hóa học đường là một trong những nội dung quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay. Để đào tạo những thế hệ sinh viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có ý thức đạo đức tốt, lối sống văn hoá, văn minh, ngày 02/10/2020, Trường Đại học Sao Đỏ đã mời TS. Đào Ngọc Báu – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói chuyện chuyên đề “Văn hóa ứng xử nơi công cộng và văn hóa học đường” cho hơn 700 tân sinh viên K11 nhập học đợt 1 của nhà trường. Đây là chuyên đề bổ ích và cần thiết, giúp các em xây dựng cho mình một nhân cách đẹp, văn minh, lịch sự.

TS. Đào Ngọc Báu nói chuyện chuyên đề về “Văn hóa nơi công cộng và văn hóa học đường”
          Tại buổi nói chuyện, TS. Đào Ngọc Báu đã truyền tải đến tân sinh viên nhà trường hiểu sâu sắc những giá trị về văn hóa ứng xử nơi công cộng và văn hóa học đường mà hiện nay giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng cần hiểu rõ để tạo cho mình hình ảnh đẹp trên giảng đường và ngoài xã hội.
Hơn 700 tân sinh viên lắng nghe TS Đào Ngọc Báu nói chuyện chuyên đề: “Văn hóa ứng xử nơi công cộng và văn hóa học đường”
      Để giúp sinh viên nhận thức đúng hơn về văn hóa ứng xử nơi công cộng và văn hóa học đường, TS Đào Ngọc Báu đã đề cập đến những hành vi thiếu văn minh nơi công cộng và trong trường học của một số bạn trẻ hiện nay như: Xả giác bừa bãi nơi công cộng, phá hoại tài sản công, ăn mặc thiếu lịch sự nơi công cộng…; đi học muộn, quay cóp bài trong thi cử… làm ảnh hưởng đến bạn bè xung quanh.
      Bên cạnh những hành vi thiếu văn minh nơi công cộng, trong trường học, TS Đào Ngọc Báu còn chia sẻ thêm về vấn đề nhiều bạn trẻ hiện nay sử dụng những ngôn ngữ thiếu văn minh trong giao tiếp: sử dụng tiếng lóng, những từ ngữ mang tính thô tục… làm mất đi sự chuẩn mực của tiếng việt, mất đi nét đẹp thanh lịch của tầng lớp thanh niên trí thức.
      Để xây dựng nếp sống văn minh trong giới trẻ hiện nay, TS Đào Ngọc Báu nhấn mạnh sinh viên là lớp người có tri thức, là tương lai của đất nước. Chính vì vậy, mỗi sinh viên trước tiên phải là một công dân tốt có tài năng, đạo đức. Có được phẩm chất đó, mỗi sinh viên cần xây dựng cho mình một nhân cách tốt, thể hiện mình là người có văn hóa, hiểu biết và văn minh trong hoạt động ứng xử nơi công cộng và trên giảng đường. Thầy đưa ra những lời khuyên bổ ích cho các tân sinh viên như: Cần tuân thủ đạo đức xã hội, không phá hoại tài sản công; trên giảng đường sinh viên thực hiện đúng những nội quy của nhà trường, không đi muộn, về sớm, trốn học, giữ gìn trật tự, vệ sinh trong phòng học. Tích cực hợp tác cùng thầy, cô để xây dựng bài học tốt hơn. Hình thành quan niệm thẩm mỹ, mặc trang phục gọn gàng khi lên lớp… Trong đời sống, sinh hoạt biết giữ gìn vệ sinh chung, tôn trọng bạn bè, tuân thủ thời gian trong ăn uống, tiết kiệm thực phẩm tránh lãng phí, cần có văn hóa xếp hàng khi đi ăn, đi mua đồ… khi sử dụng internet, sinh viên nên chọn lựa thông tin để tìm hiểu, học tập, không nghiện trò chơi điện tử, tránh những trang website thiếu lành mạnh, không tuyên truyền, a dua vào trang mạng phản động…



Tân sinh viên tích cực trả lời câu hỏi của thầy đưa ra trong buổi nói chuyện
      Qua buổi nói chuyện chuyện đề Văn hóa ứng xử nơi công cộng và văn hóa học đường” đã giúp sinh viên có nhận thức đúng đắn trong mọi hành vi của mình. Đồng thời thể hiện rõ được bản lĩnh của thế hệ trẻ, khẳng định sự năng động, sáng tạo của sinh viên thế kỷ 21 và trong nền kinh tế hội nhập, đó là: Văn minh, lịch sự, ưu tú, là những sinh viên có tư duy độc lập, linh hoạt, biết tiếp thu cái mới, tích cực hướng về phía trước, chủ động trong học tập và rèn luyện…
     Từ bài học này, TS Đào Ngọc Báu đã truyền tải đến tân sinh viên phương châm sống sâu sắc: “Nói nhiều không bằng làm tốt” để khích lệ các tân sinh viên dùng hành động thực tế để chứng minh, cùng nhau xây dựng một môi trường học đường lành mạnh, trong sáng. Từ đó hướng tới sự thân thiện, lịch sự trong cách ứng xử, bồi đắp và gìn giữ những tình cảm tốt đẹp, tạo môi trường học tập lành mạnh cho sinh viên nỗ lực rèn luyện và trưởng thành.

Tác giả bài viết: Thanh Lan

Cuộc thi tìm hiểu pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây