Từ xa xưa, tục xin chữ và cho chữ vào những ngày đầu năm mới, những dịp kỷ niệm lớn của ngành giáo dục và đào tạo được coi là điều thiêng liêng và trở thành nét đẹp trong nền văn hóa truyền thống của người Việt. Kế thừa truyền thống đó, nhân dịp Kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2021), tập thể sư phạm nhà trường thành kính dâng hương Đền thờ Thầy giáo Chu Văn An và xin lộc chữ Thầy.
Sáu chữ vàng thể hiện ý chí, tâm nguyện của tập thể sư phạm nhà trường đã và đang thực hiện sứ mạng giáo dục và đào tạo lớp trí thức trẻ có tinh thần hiếu học, hội tụ phẩm chất tốt đẹp, có ước mơ, hoài bão lớn trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ thành kính dâng hương tưởng nhớ Thầy giáo Chu Văn An tại Đền thờ Thầy
Chữ Tâm có vai trò quan trọng trong mỗi con người. Chữ Tâm dùng để chỉ trái tim, tấm lòng, tâm tư con người. Mỗi hành động chúng ta làm đều xuất phát từ cái tâm, tâm hướng thiện sẽ giúp con người hành động theo lẽ phải. Vậy nên mỗi người trong chúng ta cần phải có “Tâm” đặt ở tim để yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ người khác, đặt ở mắt để thấy được thế giới chan hòa, đặt ở chân để mang may mắn tới mọi người, đặt ở miệng để nói lời nhân ái, đặt lên vai để có trách nhiệm… Trong môi trường sư phạm, chữ Tâm nhắc nhớ đến mỗi cán bộ viên chức, giảng viên luôn dành trọn tâm huyết với nghề, chăm lo, yêu thương học trò, trở thành ngọn lửa khai tâm, sáng trí cho lớp lớp sinh viên của mình. Chữ Tâm nhắc nhở học trò luôn tỏ lòng biết ơn đến các đấng sinh thành, các thầy giáo, cô giáo sinh ra và dạy dỗ các em thành người: “Uống nước nhớ nguồn – Tôn sư trọng đạo”, trong học tập và cuộc sống các em luôn hướng đến cái thiện, tu thân, dưỡng tính, sống tích cực và làm nhiều điều tốt lành.
Lễ xin lộc chữ Thầy Chu Văn An diễn ra trang trọng tại Đền thờ Thầy Chu Văn An
Sáu chữ vàng: Tâm – Đức – Nhẫn; Trí – Tài – Thành được cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên
rước từ Đền thờ Thầy Chu Văn An
Chữ Đức trong phật giáo được coi là một trong những cái đẹp Chân, Thiện, Mỹ… Dựa vào đó để hướng đến sự từ bi, nhân ái luôn luôn rộng mở tấm lòng tốt đẹp đến với tất cả mọi người. Thầy Khổng Tử cho rằng, con người điều quan trọng nhất là phải có Đức. Một người toàn Đức và hoàn hảo bao gồm những yếu tố như: Hiếu, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín… Với ý nghĩa đó, chữ Đức được lựa chọn đặt vị trí thứ hai trong sáu chữ vàng với ngụ ý chỉ sự bao dung, vị tha mà thầy cô đã giáo dục đạo đức cho các học trò của mình với mong muốn các em sẽ trở thành những người tài, đức vẹn toàn. Còn đối với sinh viên, chữ Đức thể hiện rất rõ đạo đức với thầy giáo, cô giáo và đạo đức trong nghề nghiệp.
Mỗi chữ vàng đều mang ý nghĩa nhắc nhở cán bộ viên chức, giảng viên và toàn thể sinh viên Nhà trường luôn đặt Tâm - Đức - Nhẫn làm thước đo phẩm hạnh của mình
Chữ Nhẫn là một phẩm chất vô cùng tốt đẹp, một đức tính truyền thống trong mỗi con người. Trong quan điểm của Nho giáo, người ta coi Nhẫn là nội thánh, còn đối với Phật giáo thì chữ Nhẫn là sự từ bi. Trong đời sống, chữ Nhẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong quy tắc ứng xử của con người. Mỗi một con người có những tính cách và tư tưởng hoàn toàn khác nhau, để có thể hòa thuận, hòa hợp với nhau thì chữ Nhẫn là điều không thể thiếu trong mỗi người. Chữ nhẫn giúp chúng ta khéo léo trong ứng xử, giúp ta tu dưỡng về mặt đạo đức và phẩm hạnh. Chữ Nhẫn gắn với mỗi từ lại biểu thị nhiều ý nghĩa khác nhau: Nhẫn Nại là không ngại đương đầu với khó khăn, thử thách. Dù có chuyện gì xảy ra cũng không lùi bước; Nhẫn Nhục là sự chịu đựng chờ đợi để tiến lên; Nhẫn Nhịn là người biết tiết chế cảm xúc để giữ sự ôn hòa; Nhẫn Thân là người sống có kỷ luật với chính bản thân mình, để thấy được sự cố gắng khẳng định năng lực của mình…Với những ý nghĩa đó, chữ Nhẫn hướng chúng ta làm việc thiện, sống đạo đức, khiêm nhường và yêu thương nhau: “Nhẫn đi để tâm tỏa sáng, Nhẫn đi để Đức vang xa, tỏa rạng”. Nhẫn là một đức tính tốt đẹp, cao cả mà toàn thể cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên nhà trường là nhẫn nại, kiên trì trong giảng dạy và học tập để bước đến thành công.
Mỗi cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên luôn hướng đến sáu chữ vàng
Trí là một trong những đức tính không thể thiếu trong mỗi con người, chữ Trí được hiểu là trí tuệ, thông minh, giỏi giang, tài trí... Một trong năm đức tính của con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Tài năng đó, có thể là thiên bẩm, có thể là nhờ học mà biết, cũng có thể là khi rơi vào cảnh khốn khó tìm cách vượt qua mà biết. “Ấu bất học, Lão Hà Vi” vì thế trong chúng ta từ khi còn bé đến lúc trưởng thành đều không ngừng học tập và rèn luyện để đạt được trí tuệ, có trí tuệ cùng với nhãn quan trong cuộc sống sẽ lựa chọn được cho mình những con đường tốt, bước đi vững chắc trong sự nghiệp của mỗi người.
Chữ Tài chỉ tài năng của con người với năng lực làm việc mẫn cán, có óc sáng tạo, tìm tòi cái mới, thường am hiểu lý thuyết chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó và có năng lực thực hành giỏi. Tuy nhiên, chữ Tài không chỉ nói về người có tài năng thiên bẩm, chữ Tài mà mỗi người có được phải xuất phát từ sự học hỏi, kiên nhẫn học tập, tâm trong, trí sáng mới trở thành người tài năng.
Chữ Thành được hiểu là sự thành công, thành đạt, thành “Người” của con người. Mỗi người trong chúng ta, luôn luôn phải học hỏi, trau dồi tri thức, có ý chí, quyết tâm trong mọi việc tất sẽ trở thành “Người”. Chữ Thành đứng thứ 6 trong sáu chữ vàng cũng là để chỉ sự nhắn nhủ, sự mong muốn của các thầy, cô đến với các em sinh viên: “Biển học vô bờ - Siêng năng cập bến”, luôn chăn chỉ học tập, rèn luyện dưới mái Trường Đại học Sao Đỏ, các em sẽ đạt được những thành quả do chính bản thân mình cố gắng, xây dựng lên!
Sáu chữ vàng: Tâm – Đức – Nhẫn; Trí – Tài – Thành được long trọng rước về từ Đền thờ Thầy giáo Chu Văn An đặt tại Trung tâm thư viện - Trái tim của Trường Đại học Sao Đỏ
Sáu chữ vàng: Tâm – Đức – Nhẫn; Trí – Tài – Thành được long trọng rước về từ Đền thờ Thầy giáo Chu Văn An nhân dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021 vừa để tỏ lòng thành kính đạo học của người Thầy vĩ đại - Thầy giáo Chu Văn An, cũng là để nhắc nhở mỗi cán bộ viên chức, giảng viên và toàn thể sinh viên Nhà trường luôn đặt Tâm - Đức - Nhẫn làm thước đo phẩm hạnh của mình để giúp bản thân đạt được: Trí - Tài - Thành đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dựng xây Trường Đại học Sao Đỏ ngày càng phát triển bền vững!