TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thứ hai - 23/12/2019 16:56
  •  

Trường Đại học Sao Đỏ bảo vệ thành công 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ

          Nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Thực hiện sứ mạng, tầm nhìn của Nhà trường trong hoạt động khoa học công nghệ, Trường Đại học Sao Đỏ luôn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, số lượng và chất lượng đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của cán bộ, giảng viên, sinh viên hàng năm đều tăng lên. Nhiều đề tài được đầu tư nghiên cứu và đạt kết quả tốt, mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn sản xuất đem lại lợi ích kinh tế - xã hội. Năm 2019, Nhà trường được Bộ Công Thương giao cho thực hiện 02 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Các nhóm tác giả đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo kế hoạch, tiến độ và hoàn thành mục tiêu nghiên cứu đề ra. Ngày 22/12/ 2019, tại văn phòng Bộ Công Thương, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ 2019 đã tổ chức họp, nghiệm thu 02 đề tài của Nhà trường:
          Đề tài “Nghiên cứu thiết kế thiết bị thông minh có khả năng nhận dạng tự động tín hiệu điện cực tim ECG” do TS. Đỗ Văn Đỉnh – Trưởng phòng KHCN&HTQT làm chủ nhiệm. Tham gia Hội đồng nghiệm thu là những nhà khoa học có uy tín: PGS.TS Phạm Văn Diễn (Chuyên gia độc lập) - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Lê Thanh (Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội) - Phó Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Trần Vệ Quốc (Chuyên gia độc lập) - Ủy viên phản biện;  PGS.TS Tạ Cao Minh (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) - Ủy viên phản biện; PGS.TS Nguyễn Long Giang (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) - Ủy viên; TS. Nguyễn Văn Thiện (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) - Ủy viên và ThS. Đào Xuân Điệp (Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công thương) - Ủy viên thư ký hội đồng.
         Thay mặt nhóm tác giả, TS. Đỗ Văn Đỉnh đã trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tính mới của đề tài như: Xây dựng mô hình nhận dạng tín hiệu điện tim bằng mạng trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence). Xây dựng thiết bị đo tín hiệu điện tim kết hợp với AI: Đo một đường chuyển đạo chính của ECG; Đo và truyền trực tuyến tín hiệu ECG về Sever để kết hợp mạng trí tuệ nhân tạo tự động nhận dạng và phân tích ECG (tại server bác sĩ có thể đọc được tín hiệu ECG mà không phải trực tiếp đo); Hỗ trợ bác sĩ sơ bộ chẩn đoán tình trạng sức khỏe, tư vấn, điều trị bệnh nhân từ xa; Thông báo cho người sử dụng thiết bị biết về các bệnh lý có thể mắc phải…
TS. Đỗ Văn Đỉnh trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu thiết kế thiết bị thông minh
có khả năng nhận dạng tự động tín hiệu điện cực tim ECG”
          Theo ý kiến đánh giá của các nhà khoa học trong Hội đồng: Sản phẩm của đề tài có thể ứng dụng trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Thiết bị có thể triển khai áp dụng phổ cập để giúp người dân tự khám sàng lọc để theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, hoặc hỗ trợ bác sĩ sơ bộ chẩn đoán bệnh, theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe bệnh nhân từ xa. Sản phẩm của đề tài có khả năng áp dụng hiệu quả vào thực tế trong lĩnh vực y học, đời sống. Hội đồng bỏ phiếu kín đánh giá mức độ hoàn thành theo yêu cầu đặt ra và chất lượng đề tài, kết quả 7/7 phiếu đánh giá đề tài xếp loại Xuất sắc.
PGS.TS Phạm Văn Diễn – Chủ tịch Hội đồng nhận xét kết quả nghiên cứu của đề tài
 
PGS. TS Tạ Cao Minh phản biện đề tài
          Đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo khuôn dập bằng vật liệu Composite ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất ngói” do TS. Ngô Hữu Mạnh – Phó trưởng phòng KHCN&HTQT chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu đề tài là các nhà khoa học: PGS.TS Hoàng Văn Gợt (Viện nghiên cứu Cơ khí) – Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Tăng Huy (Chuyên gia độc lập) – Phó Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phạm Văn Hùng (Viện Cơ khí - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) - Ủy viên phản biện; PGS.TS Phạm Văn Đông (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) - Ủy viên phản biện; PGS.TS Trần Vệ Quốc (Chuyên gia độc lập) - Ủy viên; TS. Võ Thành Phong (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Ban Tuyên giáo Trung ương) - Ủy viên và ThS. Đào Xuân Điệp (Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công thương) - Ủy viên thư ký.
          Thay mặt nhóm đề tài TS. Ngô Hữu Mạnh đã trình bày kết quả nghiên cứu: Vật liệu Composite với những ưu điểm vượt trội như: Có khả năng chống ăn mòn, chịu mài mòn, chịu nhiệt, chịu ứng suất,… Cách nhiệt, cách điện, chống lão hóa, chống tia UV. Độ bền cao, chịu uốn, kéo, nén tốt, tuổi thọ cao. Khối lượng riêng nhỏ, dễ tạo hình, tạo màu, giá thành chi phí chế tạo thấp…. Vật liệu Composite có thể thay thế vật liệu truyền thống đang ngày càng cạn kiệt.
TS. Ngô Hữu Mạnh đã trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài
         Đề tài được Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua. Theo đánh giá của các nhà khoa học: Nhóm tác giả đã ứng dụng vật liệu mới, công nghệ gia công vật liệu mới để chế tạo khuôn dập ứng dụng vào thực tế sản xuất ngói 22 mang lại giá trị về kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Đây là đề tài đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng vật liệu composite nền nhựa cao phân tử UHMWPE, cốt hạt Cr và Al2O3 để làm khuôn dập ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất ngói. Đây là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay tại Việt Nam, là cơ sở để nhóm tác giả đề tài trên hoàn thiện công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế sản xuất.
PGS.TS Phạm Văn Hùng nhận xét kết quả nghiên cứu của đề tài
 
PGS.TS Phạm Văn Đông nhận xét kết quả nghiên cứu của đề tài
 
TS. Võ Thành Phong nhận xét kết quả nghiên cứu của đề tài
         Kết quả nghiệm thu 02 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ năm 2019 đã góp phần thành công của một năm mà hoạt động khoa học công nghệ Nhà trường có nhiều khởi sắc, lập nhiều thành tích vang dội. Những thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín năng lực trong nghiên cứu của cán bộ, giảng viên Nhà trường. Đây là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2030 của Trường Đại học Sao Đỏ: Đẩy mạnh hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật – Nâng cao năng lực thực hành - Ứng dụng chuyển giao công nghệ phù hợp với tiến bộ Khoa học kỹ thuật công nghiệp lần thứ Tư.
 

Tác giả bài viết: Phạm Văn Dự

Phóng sự ảnh
Tạp chí Công thương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây