TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thứ ba - 22/01/2019 14:02
  •  

Tết Nguyên Đán: Tết của gia đình, Tết của mọi nhà

           Trong những ngày này, khắp nơi trên cả nước không khí đón xuân đã rộn ràng trên mọi nẻo đường ngõ xóm. Mỗi dịp tết đến, xuân về, trong mỗi người dân Việt Nam ai cũng hướng về cội nguồn với lòng nhớ ơn tổ tiên và mong muốn được đoàn tụ, sum vầy cùng với gia đình. Tết Nguyên Đán là dịp lễ truyền thống quan trọng và ý nghĩa, là khoảng thời gian được xem là vui nhất, nhộn nhịp nhất, ấm áp và ý nghĩa nhất của cả một năm. 
Du xuân ngày Tết
        Ngày Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, được xem là một ngày tốt đẹp, là thời điểm giao hòa giữa trời đất, con người với thần linh. Do đó, nhiều người tin tưởng rằng những ý nghĩ, những mong ước, hành động của mình sẽ được các vị thần linh nghe thấy, thấu hiểu và ban cho phước lành. Tết không chỉ là dịp sum họp của các thành viên trong gia đình, là dịp để mọi người thể hiện tình yêu thương với nhau. Tết còn là dịp để con cháu nhớ về tổ tiên, nguồn cội, là sự đổi mới, lạc quan và hy vọng những điều tốt đẹp nhất.
          Tết Nguyên Đán là dịp sum họp, đoàn viên
        Tết Nguyên Đán là một dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian mọi người tạm gác công việc chính của mình để về quê thăm gia đình, cùng sum họp, đoàn viên bên nhau sau một năm dài xa cách. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là những người xa xứ vẫn luôn mong muốn được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, đi thăm viếng bà con họ hàng, bạn bè,... Chắc sẽ chẳng ai quên cảm xúc sum vầy, ấm áp bên gia đình trong bữa cơm tất niên, hay những giây phút cùng quây quần bên nồi bánh chưng đêm 30 Tết, cùng nhau ngồi bên mâm cơm ngày tất niên ấm cúng với những lời chúc tụng cho một năm mới ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Đó thực sự là thời gian ý nghĩa và ấm áp riêng của mỗi người mà chỉ cảm nhận được vào dịp Tết mà thôi.
Mọi người trong gia đình quây quần bên mâm cơm ngày Tết ấm cúng, đoàn viên
          Tết Nguyên Đán là khởi đầu cho năm mới
          Ngày Tết đánh dấu sự khởi đầu cho cả một năm dài với những cơ hội, thử thách và sự vận hành mới. Theo phong tục dân gian, nhiều người thường đi xem giờ tốt, ngày lành, tháng tốt để xuất hành, khai trương cho công việc trong năm mới với hy vọng may mắn, thuận lợi, thành công hơn năm cũ. Trong những ngày Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Để sau Tết Nguyên Đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.
Tết Nguyên Đán mở đầu cho những niềm vui, những thành công mới
          Tết Nguyên Đán là ngày hướng về cội nguồn
         Tết Nguyên Đán là dịp để mỗi người chúng ta hướng về cội nguồn, tưởng nhớ đến những người đã mất. Vào những ngày cuối năm, mọi nhà thường có tập tục tảo mộ, mời các cụ về ăn Tết với con cháu. Đêm giao thừa, nhà nhà đều thắp hương trên bàn thờ của ông bà tổ tiên thể hiện sự biết ơn, hướng về nguồn cội của thế hệ đi sau dành cho thế hệ đi trước. Trong những ngày Tết, trên bàn thờ của mỗi gia đình đều có mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh mứt, xôi gấc… dâng lên ông bà tổ tiên, con cháu đi làm ăn xa về thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính trước bàn thờ tổ tiên cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mới nhiều sức khoẻ và thành công.
Mâm cơm cúng gia tiên ngày Tết
 
Tết Nguyên Đán là dịp để con cháu hướng về cội nguồn
          Tết Nguyên Đán gắn với sự đổi mới, lạc quan và hy vọng
         Người Việt Nam ta tin rằng ngày Tết Nguyên Đán khởi đầu cho một năm mới vì vậy mọi người thường tân trang lại nhà cửa cho thật sạch đẹp, ngăn nắp, mới mẻ để chào đón năm mới. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm gội sạch sẽ và mặc quần áo mới. Đặc biệt là trẻ em được tung tăng chạy nhảy nô đùa xúng sính bên những bộ quần áo mới.Những gì không may mắn, không thuận lợi của năm cũ sẽ được xua đi để đón nhận những điều tốt đẹp trong năm mới với tinh thần lạc quan, đầy hy vọng. Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn…
Tết Nguyên Đán khởi đầu cho một năm mới thành công và hạnh phúc
          Trong những ngày chuẩn bị đón xuân Kỷ Hợi, trên mọi nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, nhà nhà đua nhau đi mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết. Những công trình đang được gấp rút hoàn thành để chuẩn bị đón xuân. Những nụ cười tươi, tiếng nô đùa của con trẻ khoe nhau những bộ quần áo mới… Hoà chung không khí chuẩn bị đón xuân, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ cũng có nhiều hoạt động sôi nổi, thi đua lập thành tích trong học tập và công tác. Cán bộ, giảng viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để có những tiết giảng hay. Sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, tích cực lên thư viện nghiên cứu tài liệu và đến trung tâm thực hành thực nghiệm để nâng cao kỹ năng tay nghề. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hoá, thể thao cũng diễn ra sôi nổi. Các đơn vị phòng, khoa đang tích cực chuẩn bị nguyên vật liệu cho Hội thi gói bánh chưng ngày Tết, công tác chuẩn bị cho Hội thi báo xuân cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng…Tất cả đã tạo nên không khí xuân đang đến rất gần.
 
Các thầy cô giáo khoa Du lịch & Ngoại ngữ chuẩn bị cho "Tết sum vầy"
và thi gói bánh chưng chào Xuân Kỷ Hợi năm 2019
Phòng Công tác sinh viên chuẩn bị cho "Tết sum vầy"
và thi gói bánh chưng chào Xuân Kỷ Hợi năm 2019

 

Tác giả bài viết: Phạm Văn Dự

Phóng sự ảnh
Tạp chí Công thương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây