TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thứ tư - 15/03/2017 20:50
  •  

Hiệu quả từ việc áp dụng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đạt Xuất sắc vào thực tế giảng dạy

          Đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) được xem là hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của một nhà trường, trong đó việc đẩy mạnh hoạt động NCKH trong giảng viên là một trong những biện pháp quan trọng - bắt buộc - cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.
         Trường Đại học Sao Đỏ, trong những năm qua luôn xác định nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ là một trong những nội dung then chốt để xây dựng và phát triển Nhà trường bền vững. Năm 2016, nhà trường có 03 đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học và công nghệ Bộ Công Thương nghiệm thu, trong đó đề tài “Nghiên cứu, xây dựng nội dung và phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng” do TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm đạt Xuất sắc.

Đại diện nhóm tác giả báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài
tại Hội đồng khoa học Bộ Công thương
          Thực tế cho thấy kỹ năng mềm giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Nó là chìa khóa cho giao tiếp thành công, là chất xúc tác giúp công việc thuận lợi. Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng vì thiếu những kiến thức, kỹ năng mềm cần thiết để đảm nhận các vị trí công việc mà họ dự tuyển. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm tác giả của Trường Đại học Sao Đỏ đã nghiên cứu, xây dựng nội dung và phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm cơ bản cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng gồm 12 kỹ năng, truyền đạt tới sinh viên qua phương pháp giảng dạy truyền thống, phương pháp trải nghiệm, phương pháp trò chơi, phương pháp dự án.
          Đề tài đã được áp dụng vào thực tế giảng dạy tại trường Đại học Sao Đỏ, là chương trình học bắt buộc của sinh viên và là một trong những yếu tố thuộc chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo tại trường. Sinh viên năm thứ nhất được tập trung phát triển các kỹ năng:  Kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng tự học tự nghiên cứu, kỹ năng giao tiếp; Sinh viên năm thứ 2 được đào tạo về kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề; Sinh viên năm thứ 3 được học kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc; Sinh viên năm cuối được đào tạo về kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng tìm kiếm việc làm. Nội dung của học phần Kỹ năng mềm đã được sinh viên hào hứng học tập, với các giờ học sôi nổi trên lớp, những màn kịch được sân khấu hóa hài hước, sáng tạo đã lôi cuốn được người học. Sau khi học học phần Kỹ năng mềm các em tự tin về những kỹ năng được trang bị, đồng thời có thể tự trang bị cho mình các kỹ năng mềm khác cho bản thân trên suốt những chặng đường tiếp theo.
Tiết học kỹ năng mềm của sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ
         Trên 70% sinh viên của nhà trường tốt nghiệp có việc làm sau 6 tháng với mức thu nhập ổn định, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao về kỹ năng nghề nghiệp cũng như ý thức lao động và các kỹ năng mềm khác khi tham gia vào các hoạt động của công ty. Bà Trần Thị Thu Vượng - Giám đốc hành chính Công ty TNHH may Tinh Lợi cho biết: Hàng năm công ty tuyển dụng từ 200-300 sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Sao Đỏ. Các em đều có kỹ năng nghề nghiệp tốt, đáp ứng được ngay với công việc sản xuất. Đồng thời, các cán bộ được tuyển dụng đều có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có khả năng giao tiếp, tư duy sáng tạo trong xử lý công việc, nhiều em có kỹ năng lãnh đạo tốt được công ty cân nhắc giao cho các chức vụ như quản lý QA, chuyền trưởng, trưởng phòng,…  Ông Yoo Young Bok – Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam khẳng định: Sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ hiện đang làm việc tại công ty, ngoài kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo chuyên sâu, các em còn luôn năng động, tư duy độc lập, có cần kỹ năng mềm tốt để hoàn thành công việc được giao. Các kỹ năng mềm được đào tạo từ nhà trường được xem là hành trang giúp sinh viên lập thân lập nghiệp trong tiến trình hội nhập hiện nay.
          Kết quả trên đã cho thấy thành công của đề tài khi áp dụng vào thực tế giảng dạy, đồng thời khẳng định năng lực, trình độ nghiên cứu của cán bộ, giảng viên nhà trường, đáp ứng được nhu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời kỳ mới, từng bước xây dựng Nhà trường phát triển bền vững.

Sản phẩm thuyết trình và văn hóa nghệ thuật từ các tiết học kỹ năng mềm

Tác giả bài viết: Bích Thủy

Phóng sự ảnh
Tạp chí Công thương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây