Tháng 6/2016, nhà trường đã ban hành kế hoạch 132/KH-ĐHSĐ về việc Đăng ký đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở năm học 2016-2017 đến các khoa trong toàn trường. Để công tác tổ chức triển khai đề tài nghiên cứu khoa học đạt kết quả cao, phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế đã chủ động phối hợp với các khoa thực hiện đăng ký đề tài, hoàn thành thuyết minh đề tài khoa học công nghệ (KHCN) cấp cơ sở theo đúng kế hoạch.
Sau gần 3 tháng thực hiện, phòng đã nhận và tổ chức 02 đợt tuyển chọn các đề tài KHCN của giảng viên và sinh viên. Từ ngày 30/8 đến 22/9/2016, Hội đồng khoa học công nghệ trường Đại học Sao Đỏ đã tổ chức đánh giá, tuyển chọn đề tài KHCN cấp cơ sở năm học 2016-2017.
Hội đồng Khoa học công nghệ nhà trường tổ chức tuyển chọn đề tài Khoa học công nghệ cấp cơ sở năm học 2016-2017
Trong hai đợt tuyển chọn đề tài, các nhóm tác giả tham gia nghiên cứu khoa học đã trình bày khái quát nội dung đề tài của mình. Các đề tài nghiên cứu đã tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh tế, thực phẩm, du lịch, cơ khí, ô tô, điện, điện tử… trong đó, nhiều đề tài mang tính ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Các nhóm tác giả là giảng viên thuyết minh đề tài trong hai đợt tuyển chọn
Sau một tuần làm việc nghiêm túc, Hội đồng KHCN nhà trường đã đánh giá và đưa ra những nhận xét, góp ý cho từng đề tài nhằm giúp các nhóm tác giả sửa, bổ sung và hoàn thiện đề tài của mình. Nhìn chung, các đề tài được viết công phu, thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiều đề tài có hướng nghiên cứu mới, sáng tạo, có tính ứng dụng và thực tiễn cao,... Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra những hạn chế của một vài đề tài của sinh viên: Cách đặt tên đề tài, cách trình bày, trích dẫn nguồn, phụ lục chưa rõ ràng,... Các nhóm tác giả đã tiếp thu góp ý bổ ích từ phía Hội đồng để hoàn thiện đề tài.
Kết quả trong 02 đợt tuyển chọn, Hội đồng KHCN nhà trường đã tuyển chọn được 47 đề tài (trong đó có 20 đề tài của giảng viên và 27 đề tài của sinh viên).
Các nhóm tác giả là sinh viên bảo vệ đề tài trong đợt tuyển chọn
Qua hoạt động nghiên cứu khoa học lần này đã thể hiện được tinh thần nghiên cứu khoa học, say mê trong lao động sáng tạo trong giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên nhà trường. Kết quả của hoạt động NCKH trong giảng viên sẽ là căn cứ để lãnh đạo nhà trường định hướng được nhiệm vụ của từng giảng viên, phân công, bố trí, sử dụng, nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động đồng thời thẩm định, đánh giá, xây dựng chính sách, chương trình đào tạo và bồi dưỡng giảng viên. Kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học sẽ được các thầy cô áp dụng vào giảng dạy vào trong thực tiễn công việc góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Thông qua hoạt động NCKH, giúp sinh viên có được phương pháp tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo.