Đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) được xem là hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của một nhà trường, trong đó việc đẩy mạnh hoạt động NCKH trong giảng viên là một trong những biện pháp quan trọng - bắt buộc - cần thiết để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.
Trường Đại học Sao Đỏ, trong những năm qua luôn xác định nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ là một trong những nội dung then chốt để xây dựng và phát triển nhà trường bền vững. Năm 2019, nhà trường có 06 công trình nghiên cứu khoa học được vinh danh trao giải tại lễ tổng kết Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ XI (2018-2019), trong đó công trình “Xây dựng thiết bị đo, giám sát và chẩn đoán tình trạng hoạt động máy biến áp hạ áp” do TS. Đỗ Văn Đỉnh – Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế làm chủ nhiệm được Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) lựa chọn là một trong 41 công trình xuất sắc được trao thưởng tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2019 diễn ra vào ngày 14/5/2020.
TS. Đỗ Văn Đỉnh (người đứng thứ 3 từ trái qua) nhận giải tại
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ XI (2018-2019)
Xuất phát từ thực tế sản xuất, máy biến áp (MBA) là một phần rất quan trọng trong hệ thống truyền tải điện năng. Khi máy biến áp bị hư hỏng sẽ làm gián đoạn sự cung cấp điện liên tục, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế xã hội của cả một vùng, khu vực… Ngoài ra chi phí cho việc vận chuyển, bảo dưỡng sửa chữa đối với các MBA bị sự cố rất cao, tốn kém về tiền bạc và thời gian. Vì vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu phương pháp vừa giám sát, chẩn đoán được trạng thái của máy biến áp vừa không phải cắt điện máy biến áp là rất cần thiết.
Hình ảnh bên trong của thiết bị
Từ thực tế đó, nhóm tác giả đưa ra giải pháp “Xây dựng thiết bị đo, giám sát và chẩn đoán tình trạng hoạt động của máy biến áp hạ áp”, thiết bị hoạt động dựa trên cơ chế đo độ rung của máy biến áp thông qua cảm biến gia tốc lắp đặt tại hiện trường, cảm biến sẽ đo độ rung của máy biến áp, tín hiệu đo được chuyển về bộ xử lý trung tâm của thiết bị. Một mặt dữ liệu được lưu vào trong thẻ nhớ Micro SD đồng thời phổ tần quét sẽ được hiện thị trên LCD lắp đặt trên mặt thiết bị để người vận hành dễ quan sát, mặt khác tín hiệu đo được truyền về máy chủ qua mạng wifi; Tại máy chủ tín hiệu đo từ thiết bị truyền về được phân tích, nhận dạng tần số quét (độ rung động) bằng mạng trí tuệ nhân tạo (nơ-rôn netwwork), phổ tần số quét sẽ được hiện thị trên giao diện của máy tính, thông qua giao diện người vận hành có thể theo dõi tình trạng hoạt động của máy biến áp qua màn hình máy tính, đưa ra cảnh báo bất thường cho người vận hành biết nếu tần số quét lớn hơn 3% tần số quét lớn nhất (tỷ lệ % này có thể thay đổi được tùy theo mức độ của yêu cầu cảnh báo). Nếu xảy ra sự bất thường, cảnh báo này sẽ thông báo cho người vận hành biết hiện tại máy biến áp đang gặp sự cố để có biện pháp kiểm tra chi tiết hơn, tránh khi xảy ra sự cố, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, môi trường.
Hình ảnh bên ngoài của thiết bị
Công trình nghiên cứu khoa học này được chuyển giao đến doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp hoạt động liên tục, nâng cao năng suất lao động; tiết kiệm từ vài triệu đến hàng chục tỷ đồng tùy theo quy mô của doanh nghiệp cho các chi phí mất điện ngừng sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng nếu có sự cố do máy biên áp gây ra. Đồng thời, công trình cũng góp phần phát triển năng lực nghiên cứu KHCN trong nước làm nền tảng cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Thành công của công trình đã phản ánh năng lực nghiên cứu khoa học vượt trội của đội ngũ giảng viên, góp phần nâng cao uy tín nhà trường với xã hội.