Ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thông báo những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT 2020.
Theo đó, thí sinh tham dự kỳ thi THPT 2020 năm nay sẽ phải làm tổng cộng 4 bài thi, bao gồm 3 bài thi bắt buộc và 1 bài thi tự chọn.
Các bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (KHXH: Lịch sử, Địa lý và GDCD đối với thí sinh là học sinh Giáo dục THPT. Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên). Mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để các trường Đại học, Cao đẳng làm căn cứ xét tuyển để tuyển sinh năm 2020.
Thí sinh là học sinh Giáo dục THPT sẽ thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH).
Thí sinh là học sinh Giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH); thí sinh GDTX có thể dự thi thêm bài Ngoại ngữ.
Thí sinh tự do tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Kỳ thi THPT 2020 có nhiều thay đổi để giảm tải áp lực cho học sinh
Hình thức bài thi: Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GDĐT cung cấp. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi: cho các môn cụ thể như sau: Ngữ văn: 120 phút; Toán: 90 phút; Ngoại ngữ: 60 phút; bài thi KHTN và KHXH: 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần. Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi: 1 buổi thi bài thi Ngữ văn, 1 buổi thi Toán, 1 buổi thi Ngoại ngữ và 1 buổi thi bài thi tổ hợp.
Nội dung thi: nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GDĐT công bố. Đề thi dùng chung cho cả học sinh giáo dục THPT và học sinh GDTX.
Bộ GDĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Kết quả kỳ thi được các Sở GDĐT dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được cụ thể hóa trong Quy chế thi. Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm GDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục 2019.
Về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, công tác tuyển sinh được các cơ sở giáo dục ĐH triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của luật Giáo dục Đại học, với các phương thức tuyển sinh khác nhau như sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ THPT, phỏng vấn, kiểm tra,… hoặc bổ sung các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.