TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thứ ba - 05/06/2018 14:45
  •  

Tính ứng dụng của sản phẩm khoa học công nghệ - Máy phun thuốc sâu bán tự động

          Đạt giải Nhì tại  Hội thi “Sinh viên sáng tạo khoa học công nghệ lần thứ III” năm học 2017-2018, máy phun thuốc sâu bán tự động là thành quả cho sự say mê tìm tòi nghiên cứu của nhóm sinh viên Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Hồng Phi - Khoa Ô tô, Trường Đại học Sao Đỏ.

Sinh viên Nguyễn Văn Trường (đứng thứ hai từ trái qua) nhận giải tại
Hội thi “Sinh viên sáng tạo khoa học và công nghệ” lần thứ III
          Với sự đam mê về công nghệ, từng tham gia nhiều hoạt động về nghiên cứu khoa học như chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, chế tạo xe sinh thái, robocon,… Nguyễn Văn Trường và Nguyễn Hồng Phi đã được học hỏi và tiếp cận với nhiều sản phẩm khoa học có tính sáng tạo và thiết thực với cuộc sống. Bắt nguồn từ thực tiễn canh tác các vườn cam với diện tích lớn tại Bắc Giang quê nhà, Trường thấy việc chăm sóc cây, đặc biệt là phun thuốc trừ sâu cho cây hiện vẫn đang chủ yếu được tiến hành thủ công, người lao động tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu với liều lượng cao hơn so với các cây trồng khác. Bên cạnh đó để đảm bảo chất lượng cho cây cam, tần suất giai đoạn đầu phun tương đối dày từ 2-3 lần/ tháng.
          Chính từ đây, Trường và nhóm nghiên cứu đã đưa ra ý tưởng về thiết kế, chế tạo máy phun thuốc sâu bán tự động điều khiển từ xa nhằm giảm bớt lao động thủ công, sự độc hại trong quá trình chăm sóc cây, đồng thời tăng năng suất lao động góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Ngay từ khi có ý tưởng nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào thực hiện để đưa ý tưởng thành sản phẩm khoa học và gửi tham dự Hội thi “Sinh viên sáng tạo khoa học công nghệ” lần thứ III năm học 2017-2018.
          Sau nhiều ngày nghiên cứu các tài liệu về mạch STM32F1, mạch điều khiển rơle, mạch chuyển đổi PS2 UART, quy trình trồng, chăm sóc cam hiện đang được tiến hành tại địa phương, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công  máy phun thuốc sâu điều khiển từ xa có kích thước dài x rộng 700 x 600(mm), chiều cao phun tối đa 4000 (mm), năng suất phun một ngày có thể đạt từ 2-3 ha, gấp 4-5 lần so với lao động thủ công.
          Nguyễn Văn Trường – chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chia sẻ: Qua nghiên cứu và thử nghiệm tại các vườn trồng cam và cây ăn trái ở Vô Tranh, Lục Nam, Bắc Giang, máy phun thuốc sâu bán tự động điều khiển từ xa của chúng em với thiết kế đơn giản, dễ điều khiển, sử dụng, di chuyển linh hoạt trên mọi loại địa hình, đủ sức chứa 50 lít dung dịch thuốc trừ sâu, chất lượng phun đảm bảo yêu cầu, sẽ giảm độc hại cho người lao động.
          Với những tính năng vượt trội, máy phun thuốc sâu bán tự động điều khiển từ xa đã được chuyển giao cho một số vườn cây trồng tại Bắc Giang, giúp bà con nông dân giảm sức lao động, cải thiện môi trường làm việc tăng năng suất cây trồng.

Nguyễn Văn Trường chụp ảnh lưu niệm cùng thầy Đỗ Công Đạt - Trưởng khoa Ô tô

Tác giả bài viết: Bích Thủy

Phóng sự ảnh
Tạp chí Công thương
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây