TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG
Thứ ba - 11/02/2025 15:52
Bệnh cúm mùa
BỆNH CÚM MÙA
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B, C và D. Đây là một bệnh lý sảy ra theo mùa, ở Việt Nam, bệnh Cúm mùa lưu hành quanh năm nhưng có xu hướng tập trung vào mùa Đông – Xuân.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm. Bộ Y tế cho biết, mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024. Các tác nhân chủ yếu gây bệnh cúm tại Việt Nam hiện là các chủng virus cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết "Chưa ghi nhận sự biến đổi nào về độc lực của virus cúm".
Hiện tại đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông, xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca mắc. Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Triệu chứng bệnh cúm mùa
Các triệu chứng điển hình của bệnh cúm bao gồm:
Sốt cao trên 38 độ/ cảm thấy sốt hoặc ớn lạnh.
Hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi.
Đau đầu, mệt mỏi, đau mỏi toàn thân.
Đau họng, ho.
Có thể có kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy ở trẻ em.
Bệnh cúm có triệu trứng ban đầu giống như cảm lạnh thông thường, nhưng cảm lạnh thường phát triển chậm, trong khi cúm có xu hướng xuất hiện đột ngột.
Biến chứng thường gặp
Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 5-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Các biến chứng thường gặp:
Suy hô hấp
Viêm phổi
Viêm thanh, khí phế quản.
Viêm tai giữa
Viêm não, viêm cơ tim.
Nhiễm khuẩn thứ phát
Các đối tượng và các yếu tố làm tăng khả năng phát triển bệnh Cúm hoặc các biến chứng của bệnh
- Tuổi tác: trẻ nhỏ và người cao tuổi có nguy cơ mắc cao
Điều kiện sống và làm việc: những người sống hoặc làm việc ở những nơi đông người như viện dưỡng lão, doanh trại quân đội, trường học… có nhiều khả năng bị Cúm
Hệ thống miễn dịch suy yếu, phương pháp điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép, corticosteroid và HIV/AIDS có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của người bệnh, khi cơ chế bảo vệ cơ thể bị yếu thì dễ dàng mắc bệnh cúm hơn và làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng của bệnh Cúm.
Phụ nữ có thai , người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc các vấn đề về tim mạch… có thể làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh Cúm
Phòng bệnh
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;
Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng;
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi);
Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng;
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết;
Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe;
Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.