TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thứ năm - 07/04/2016 21:11
  •  

Xây dựng nhân cách “sống đẹp” cho thanh niên hiện nay

“Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn
Bữa cơm dù dưa muối đầy vơi
Chân lý chẳng cần chi đổi bán
Mà tình thương vô hạn để cho đời”
          Sống đẹp trước hết là nhu cầu của mỗi người và mọi người. Ai lại không muốn mình sẽ thực sự đẹp trong mắt của mọi người cũng như của chính mình. Hạnh phúc thực sự viên mãn và tuyệt vời nhất khi con người sống đẹp một cách đúng nghĩa với cái đẹp cả về hình thức và nội dung. Cái đẹp ấy không chỉ tựu chung ở nét đẹp bề ngoài mà còn phải là đẹp ở hành vi, thái độ và cả quan điểm sống, lý tưởng sống. 
          Khi Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chúng ta đứng trước những cơ hội hết sức thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng phải đối mặt trước nhiều vấn đề khó khăn. Đối với thế hệ trẻ, họ có điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ của mình để cống hiến phục vụ đất nước. Thế hệ trẻ của Việt Nam trong thời kì hội nhập nhiệt huyết, sáng tạo, tích cực học hỏi những cái mới, cái hiện đại của thế giới nhưng họ vẫn nằm trong dòng chảy của  văn hóa nước nhà - nền văn hóa lúa nước ngàn đời của người Việt lấy chữ “tình” làm trọng và đề cao chữ “hiếu”.
          Bên cạnh những mặt tích cực đó thế hệ trẻ Việt Nam cũng đứng trước nhiều thử thách. Khi nền kinh tế thị trường phát triển, sự giao lưu kinh tế quốc tế ngày một cao, thì nền văn hóa phương Tây với lối sống thực dụng, “thích hưởng thụ” cũng len lỏi vào nước ta. Lúc này thế hệ trẻ là người đối diện trực tiếp với nó. Chúng ta hãy hình dung lớp trẻ chúng ta lớn lên rất giỏi ngoại ngữ, rất “sành điệu với thời trang”, thuộc lầu những ca khúc Pop – Rock lừng danh thế giới… vậy mà ngơ ngác khi nghe đến những trang lịch sử viết về truyền thống cha ông, lờ mờ không biết sự tích bánh trưng, bánh dày, không biết về bà mẹ Âu Cơ với bọc trăm trứng. Thiết nghĩ một cây không thể lên xanh tốt khi không có gốc. Một thế hệ không thể phát triển toàn diện khi không được truyền lại đầy đủ những giá trị văn hóa quý báu từ ngàn đời trước… Trong thời kì kinh tế thị trường, thực tế đã cho thấy nhiều bạn trẻ đã không vượt qua được những cám dỗ của đồng tiền của sự  hưởng thụ và họ đã dần đánh mất cái bản sắc truyền thống, thậm chí đã có người quay lưng lại với Tổ Quốc, với nhân dân. Có những người bàng quang thờ ơ trước những nỗi đau của bạn bè, của xã hội, họ dường như vô cảm đối với các mối quan hệ xã hội. Trong cuộc sống thường ngày vẫn còn nhiều những hành vi ứng xử thiếu tính nhân văn và không có tính cộng đồng. Thật buồn cười khi chúng ta rút trong ví ra cho người ăn xin mười nghìn đồng, chúng ta thấy mười nghìn đó to thế và cảm thấy mình thật là vĩ đại (có thể có người còn nghĩ đây là sự bố thí), nhưng khi về nhà buôn điện thoại với người yêu, bạn bè mười lăm, hai mươi phút số tiền điện thoại mất rất nhiều nhưng chúng ta cảm thấy rất ít. Thật buồn cười khi mỗi sinh viên ngồi trong lớp đã đến giờ ra chơi mà thầy, cô giảng thêm chút ít mà các bạn cảm  thấy thời gian dài như mấy tiếng, nhưng đến khi đi chơi với bạn bè người yêu, khi đi ăn nhậu mấy tiếng đồng hồ lại cảm thấy thời chạy nhanh như tên bắn.
          Vì sao có những hiện tượng trên, bởi vì ý thức cộng đồng của những người đó chưa cao. Chính vì thế chúng ta cần phải xây dựng nhân cách sống đẹp lối ứng xử văn hóa cho mỗi con người nhất là đối với thế hệ trẻ, vì họ là những gười chủ nhân  tương lai của nước nhà, là những người lưu giữ những giá trị tinh thần, truyền thống của dân tộc.
          Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Nếu là con chim, chiếc lá, thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh, lẽ nào vay mà không trả, sống là cho đâu phải riêng mình”. Trong xã hội hiện đại văn minh ngày nay mỗi chúng ta phải biết xây dựng cho mình một “nhân cách sống cao đẹp”. Bởi vì đã là xã hội văn minh thì con người luôn hướng tới cái hay cái đẹp, đó là cái Chân - Thiện – Mỹ.
 
Tham gia các hoạt động tình nguyện là một nét đẹp trong đoàn viên thanh niên
          “Đẹp” ở đây không chỉ là cái hình thức bề ngoài, cái đẹp biểu hiện ở nhiều phương diện và bắt đầu ngay từ những cử chỉ nhỏ bé nhất và từ sự tự vươn lên trong cuộc sống. “Sống đẹp” trước hết xuất phát từ lòng nhân ái, từ trái tim đầy yêu thương và biết sống vì người khác, có sự vị tha mà lại hết sức nhân ái. Hình ảnh thật đẹp và ý nghĩa biết bao khi một em bé dẫn cụ già qua đường giữa phố phường đông đúc, vuốt phảng phiu những đồng tiền lẻ bố mẹ cho em ăn sáng để bỏ vào nón người ăn xin. Những hành động ấy dù rất đỗi nhỏ bé và bình dị nhưng đây lại là những nghĩa cử cao đẹp. “Sống đẹp” là sự chân thành, nhân ái yêu thương đồng loại, chan hòa với mọi người và biết cống hiến cho xã hội. Chúng ta đừng thiển cận cho rằng sống đẹp là cái gì đó xa lạ với nhiều người trẻ hiện nay. Hãy lắng nghe và biết quan sát, hàng ngày và hàng giờ vẫn luôn có những con người biết hy sinh và cống hiến. Trong cuộc sống, “sống đẹp” luôn thôi thúc mỗi người biết nghĩ cho người khác chứ không cá nhân ích kỉ chỉ biết nghĩ riêng cho bản thân mình. Hiện thực thì luôn phong phú và đa dạng. Lý tưởng sống hay quan niệm sống của mỗi người đều được xây dựng một cách khác nhau, nhưng điều cốt yếu là phải hướng tới một điều thật sự tốt đẹp, mình vì mọi người và mọi người cũng vì mình. Xã hội càng phát triển sự giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với mỗi người chính vì thế “sống đẹp” đòi hỏi mỗi người cần đặt cho mình một khuôn mẫu nhất định, có như vậy chúng ta mới chắt lọc được những giá trị văn hóa và ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời.
 
Hiến máu nhân đạo là lối sống đẹp xuất phát từ lòng nhân ái, từ trái tim đầy yêu thương và biết sống vì người khác
         Chúng ta không chỉ bàn về sống đẹp bằng những lời nói suông hay dựng lên những tượng đài không thực tế. Tuổi trẻ xây dựng giá trị sống, niềm tin và triết lý sống cho bản thân phải thông qua những trải nghiệm từ thực tế, từ những điều bạn nhìn thấy: lòng biết ơn, tình yêu thương, sự tử tế, uống nước nhớ nguồn…Mỗi chúng hãy xây dựng nhân cách cho mình ngay từ những hành động nhỏ bé nhất. Tôi từng đọc kinh thánh Ki Tô giáo và trong đó Đức Chúa từng dăn dạy “Khi con sinh ra tất cả mọi người đều cười chỉ riêng mình con là khóc, con hãy sống làm sao để đến khi nhắm mắt thì tất cả mọi người đều khóc chỉ riêng mình con là cười”. “Cuộc sống không có con đường cùng chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải làm sao để vượt qua những ranh giới ấy”. Mỗi chúng ta hãy tự xây dựng cho mình một lối sống đẹp, một lý tưởng tốt để khi ở mỗi cuối con đường, chúng ta đều mỉm cười mãn nguyện.

Tác giả bài viết: Phạm Văn Dự

Cuộc thi tìm hiểu pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây