TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG
Phóng viên (PV): Chào Hải! Với thành tích đạt được tại Hội thi tay nghề Bộ Công Thương 2018 (giải Nhì) và Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X năm 2018 (giải Khuyến khích), em chia sẻ với độc giả về quá trình tham gia hai kỳ thi này được chứ?
Sinh viên Phạm Văn Hải, lớp DK5 - Điện 9 Trường Đại học Sao Đỏ
SV Phạm Văn Hải: Chào chị! Trước khi tham dự hai kỳ thi này, em cũng đã tham dự cuộc thi sinh viên giỏi cấp trường. Đây là bước đi đầu tiên và là nền tảng để em có thể bước tiếp và tham gia các kỳ thì cấp cao hơn. Trong quá trình đó, em đã được các thầy hướng dẫn bồi dưỡng những kiến thức cần thiết khi tham gia. Sau kỳ thi này, em được Nhà trường lựa chọn để tham gia Hội thi tay nghề Bộ Công Thương 2018 ở nghề Tự Động hóa Công nghiệp, em đã tích cực ôn luyện tại Trung tâm thực hành thực nghiệm khoa Điện. Tại đây, với rất nhiều các trang thiết bị hiện đại về chuyên ngành tự động hóa đã giúp cho em nâng cao kiến thức và tay nghề. Trước khi lên đường đi thi, đại diện Ban Giám hiệu đã gặp mặt động viên, khuyến khích chúng em, giúp em có thêm động lực cố gắng, tự tin vượt qua các thí sinh khác để giành giải Nhì trong Hội thi tay nghề Bộ Công Thương 2018. Bước tiếp vào Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ X năm 2018, em và bạn Vũ Đức Thắng dưới sự hướng dẫn của Ths Nguyễn Trọng Quỳnh chúng em cũng đã tích cực ôn luyện và hết sức cố gắng để làm tốt hoàn thành bài thi và giành được giải Khuyến khích.
Sinh viên Phạm Văn Hải (đứng bên trái) giành giải Nhì Hội thi tay nghề Bộ Công Thương 2018
PV: Tham gia Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ X năm 2018 em có gặp những khó khăn gì không?
SV Phạm Văn Hải: Đối với nghề Tự động hóa công nghiệp, Ban tổ chức đưa ra đề thi khó hơn và yêu cầu cao hơn so với Hội thi tay nghề Bộ Công Thương. Ở nghề Tự Động hóa Công nghiệp – chúng em phải thực hiện 2 phần thi: Phần 1 là đấu nối và lập trình trạm vận chuyển, phần 2 là Lắp ráp cơ khí, đấu nối mạch điện khí nén trạm phân loại. Em là người phụ trách phần lập trình nên đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu. Khó khăn đối với chúng em khi tham gia đề thi với công nghệ rất cao. Ví dụ như phần lập trình có liên quan đến PLC của Mitshubishi (trong khi trước đây chúng em được học PLC của các hãng như: Simen, Omron…). Nhưng với tinh thần hăng say học hỏi, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, chúng em đã mày mò, nghiên cứu về những kiến thức mới và tự tin bước vào kỳ thi.
Phạm Văn Hải và bạn dự thi nghề Tự động hóa công nghiệp tại hội đồng thi quốc gia số 6 - Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội
PV: Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, em có chuẩn bị gì cho tương lai?
SV Phạm Văn Hải: Vâng, để bước vào cuộc CMCN 4.0, nhà trường luôn khuyến khích sinh viên chúng em tham gia nghiên cứu khoa học để chúng em có cơ hội cọ sát kiến thức đã học với thực tế, có thêm niềm say mê, tìm tòi để sáng tạo khoa học, công nghệ… Bởi vậy, hàng năm, nhà trường đã tổ chức các cuộc thi về công nghệ như: cuộc thi sáng tạo robot, cuộc thi Sinh viên sáng tạo Khoa học công nghệ và đặc biệt khoa Điện cũng đã tổ chức cuộc thi “Sinh viên khoa Điện hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với chủ đề “Robot tour – Đường đến vinh quang”… tham gia vào các sân chơi này đã giúp em có thêm nhiều kiến thức bổ ích, phát huy tính sáng tạo và kỹ năng nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, tại Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ X năm 2018 em đã vận dụng tất cả những kiến thức đã học, những kỹ năng đã làm ở trường để khi đi thi có thêm sự tự tin, yếu tố rất cần thiết giúp em có thể đạt được kết quả.
Sinh viên Nguyễn Văn Hải (đứng thứ hai trừ trái sang) được Ban giám hiệu nhà trường khen thưởng tại Lễ tổng kết Hội thi sinhh viên giỏi năm học 2017-2018
PV: Với thành tích giành giải Khuyến khích trong kỳ thi, cảm nhận của em thế nào?
SV Phạm Văn Hải: Em rất vui khi tham gia kỳ thi và giành giải, dù là giải khuyến khích nhưng nó là thành quả của sự nỗ lực cố gắng của bản thân trong quá trình học tập và tham dự các kỳ thi. Điều đặc biệt hơn là sau những trải nghiệm này đã giúp em trau dồi kiến thức thực tế và khẳng định được kỹ năng nghề nghiệp của mình.
PV: Vậy em có thể chia sẻ với các bạn sinh viên về bí quyết học tập của mình được không?
SV Phạm Văn Hải: Gọi là bí quyết thì hơi quá ạ (cười), với em để có thể học tốt và trau dồi kỹ năng nghề của mình, không còn cách nào khác là phải học, phải tìm hiểu ở thầy cô, bạn bè và nghiên cứu tài liệu trên thư viện, trên Internet, tìm những thông tin liên qua đến ngành học để mình tiếp thu và vận dụng vào bài học của mình. Từ đó có thể phát triển tư duy và sáng tạo ra những sản phẩm sát với thực tế. Ngoài ra, trong quá trình học tập tại trường, em cũng tham gia làm thêm, tiếp xúc ngoài thực tế cùng các thầy để nâng cao tay nghề của mình, những công việc như: Đấu nối, lắp đặt, lập trình PLC của các nhãn hiệu đã giúp em trau dồi kỹ năng và tay nghề của mình một cách tốt nhất.
PV: Được biết, năm nay là năm em tốt nghiệp, vậy em đã có dự định gì sau khi ra trường?
Sinh viên Phạm Văn Hải chụp ảnh kỷ yếu trong khuôn viên nhà trường
SV Phạm Văn Hải: Dạ, cũng như các sinh viên khác, em sẽ cố gắng bảo vệ tốt đồ án tốt nghiệp của mình để có được kết quả cao nhất. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ lựa chọn vào công ty Sam Sung để làm việc. Một vài năm đi làm sẽ giúp em tích lũy kinh nghiệm. Ước mơ của em sau này sẽ mở một công ty kinh doanh về các thiết bị điện.
PV: Xin cảm ơn em! Chúc em thành công trên con đường lập nghiệp của mình!
Tác giả bài viết: Thanh Lan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn