Để chuẩn bị điều kiện tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí. Ngay từ khi mới thành lập Hội đã đặt viên đá đầu tiên để chuẩn bị cho tổ chức thanh niên sau này và bắt đầu mở rộng hoạt động, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phong trào yêu nước của nhân dân, đặc biệt là thanh niên Việt Nam.
Cùng với sự ra đời của các tổ chức Đảng cộng sản từ cuối năm 1929 tại Việt Nam đã hình thành những cơ sở đầu tiên của Đoàn thanh niên cộng sản, đó là các chi bộ Đoàn và các nhóm đoàn viên hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng do các Đảng viên trực tiếp phụ trách. Ngay trong Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng tháng 2 năm 1930 công tác vận động thanh niên đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu quan tâm. Vấn đề Đoàn thanh niên cộng sản đã được khẳng định trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng.
Tháng 10/1930 trước những yêu cầu của cách mạng, Hội nghị trung ương Đảng lần thứ nhất đã ra nghị quyết về công tác thanh niên, trong đó nêu bật: Đảng phải thi hành ngay Nghị quyết của Quốc tế thanh niên cộng sản, phái ra một số đồng chí trẻ tuổi phụ trách tổ chức thanh niên cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tính chất độc lập... Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú đã diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 20 đến 26.3.1931 đã giành khoảng thời gian quan trọng để bàn về công tác thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ:
“Cần kíp tổ chức ra thanh niên cộng sản Đoàn”.
Trước những đóng góp to lớn của Đoàn viên thanh niên và sự lớn mạnh của Đoàn trong cao trào cách mạng thời kỳ 1930 - 1931 Đoàn thanh niên Đông Dương được Ban chấp hành Quốc tế thanh niên cộng sản công nhận là một bộ phận của Quốc tế thanh niên cộng sản. Sau này Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (3.1961) đã quyết định lấy ngày 26.3 hàng năm làm kỷ niệm thành lập Đoàn. Kể từ khi thành lập đến nay trải qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã trải qua 6 lần đổi tên với 7 tên gọi:
1931 - 1936: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương
1936 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
1939 - 1941: Đoàn Thanh niên Phản đế Việt Nam
1941 - 1956: Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam
1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
1970 - 1976: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh
1976 đến nay: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Tháng 3 năm 1937 Đảng quyết định tổ chức ra
“Đông Dương Phản đế Đoàn” để thay cho
“Đông Dương Cộng sản Đoàn”. Tháng 9. 1937 Đảng nhấn mạnh phải ra sức tổ chức các hội quần chúng phổ thông của thanh niên để thu phục quảng đại quần chúng thành một mặt trận thống nhất thanh niên. Tháng 3. 1938 Đảng quyết định tổ chức
“Thanh niên tân tiến Hội”, để giúp Đảng vận động các tầng lớp thanh niên phù hợp với hoàn cảnh, trình độ, tâm lý của họ để có khẩu hiệu và hình thức tổ chức thích hợp.
Trong thời kỳ 1936 - 1939 Đoàn thanh niên có nhiều tên gọi khác nhau song đều nhằm mục đích đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ, vì vậy thường được gọi tên chung là Đoàn thanh niên dân chủ.
Theo chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11. 1939) Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức Thanh niên cộng sản và Thanh niên Dân chủ Đông Dương trước đây.
Để tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đuổi phát xít Pháp - Nhật, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp tại Pác Bó (tháng 5.1941) đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh và các Hội Cứu quốc trong đó có Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tiếp nối sự nghiệp của các tổ chức thanh niên do Đảng và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo trước đó.
Ngày 19-10-1955 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra nghị quyết đổi tên Đoàn Thanh niên Cứu Quốc Việt Nam thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Sau khi Bác Hồ qua đời, thể theo nguyện vọng của tuổi trẻ Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.1970) Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết cho Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên và Đội nhi đồng được mang tên Bác kính yêu. Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Kỷ niệm lần thứ 39 ngày truyền thống vẻ vang của Đoàn (26.3.1970) Ban chấp hành Trung ương Đoàn tổ chức trọng thể lễ đón nhận nghị quyết của Ban chấp hành Trưng ương Đảng cho tổ chức Đoàn và tổ chức Đội được mang tên Bác.
Tháng 12 năm 1976 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã quyết định đổi tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với phương hướng hoạt động:
Một là, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục hoài bão, lý tưởng và ý chí cách mạng cho thanh niên. Đó là hoài bão và lý tưởng xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; về một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; là ý chí vươn lên ngang tầm thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.
Hai là, Đoàn phải hướng dẫn cho thanh niên có ý thức rèn đức, luyện tài, đi vào khoa học công nghệ; đẩy mạnh phong trào học tập văn hóa, rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ nghiệp vụ công tác. Chỉ có làm giàu tri thức của mình bằng tri thức của nhân loại và luôn luôn sáng tạo, thanh niên mới thật sự trở thành người chủ của dân tộc.
Ba là, trong thời kỳ mới, thanh niên phải có bản lĩnh chính trị, có trí tuệ cao và biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đoàn thanh niên cần bồi dưỡng cho thanh niên ý chí độc lập, tự cường, tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, động viên thanh niên hăng hái phấn đấu để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết", Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác thanh niên, coi đó là trách nhiệm thiết thân của Đảng và của dân tộc. Trong lời kêu gọi, Uỷ viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt đã kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân hãy dành cho tuổi trẻ sự quan tâm sâu sắc, tạo những điều kiện thuận lợi để tổ chức đoàn và mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên phát huy hết tiềm năng của mình, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kế thừa và phát huy những truyền thống của các thế hệ đi trước, Đoàn thanh niên trường Đại học Sao Đỏ tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình trong công tác tổ chức, tập hợp, giáo dục và phát triển đoàn viên, sinh viên, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận thể hiện qua các mặt công tác:
Công tác giáo dục truyền thống được Ban chấp hành đoàn trường triển khai sâu rộng với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Nổi bật là các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày thành lập Đảng 03/2, ngày thành lập đoàn 26/3, ngày giải phòng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5, ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày Quốc khánh 02/9, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam... Được tổ chức sâu rộng từ liên chi đoàn đến các chi đoàn thông qua các cuộc thi tìm hiểu, diễn đàn, toạ đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử... Đặc biệt là đợt sinh hoạt chính trị
“Tuổi trẻ trường Đại học Sao Đỏ học tập và làm theo lời Bác” đã có sự tác động chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục truyền thống, lý tưởng, đạo đức cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến sức trẻ xây dựng nhà trường, quê hương, đất nước của thế hệ trẻ có ảnh hưởng sâu rộng trong nhà trường và xã hội.
Ban chấp hành đoàn trường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới thanh niên, sinh viên tập trung vào các nội dung như: Tuyên truyền về luật an toàn giao thông đường bộ, luật phòng chống ma tuý, pháp lệnh cải cách hành chính, luật nghĩa vụ quân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật thanh niên… thông qua các hình thức: Lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội, sinh hoạt câu lạc bộ
“Tuổi trẻ với pháp luật”, ”Câu lạc bộ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, tổ chức các hội thi
“Tìm hiểu kiến thức, phòng tránh và tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS” mời chuyên gia nói chuyện, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các hệ thống thông tin đại chúng, trang Web của các khoa và nhà trường, chuyên mục thanh niên trên đài phát thanh nội bộ của nhà trường.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng được duy trì, phát triển và hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, toàn trường có 02 đội tuyên truyền ca khúc cách mạng và các câu lạc bộ hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Học thuật, Văn hóa, Thể dục thể thao, Truyền thông… thu hút hàng ngàn hội viên tham gia.
Hoạt động văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo đoàn viên tham gia
Đặc biệt tổ chức Đoàn Thanh niên đã luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học công nghệ cho sinh viên và đội ngũ cán bộ trẻ và đã đạt được thành tích nổi bật: Năm 2015 có 08 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được nghiệm thu ở cấp cơ sở và được áp dụng trong thực tiễn sản xuất, 02 sinh viên đạt giải tạo cuộc thi Olympic Toán học toàn quốc, 01 sinh viên được nhận Phần thưởng
“Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan và Công ty Intel xét trao tặng vì có thành tích học tập xuất sắc,…
Sinh viên Nguyễn Thị Thu (đứng thứ 5 từ trái qua)– Lớp CNKTDTTT-DK03 đạt giải Nhì và Sinh viên Hà Ngọc Hà lớp KT1-DK04 đạt giải ba kỳ thi Oympic Toán sinh viên toàn quốc năm 2015
Phong trào
“Thanh niên tình nguyện” tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả hơn, thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên tham gia. Nét nổi bật trong các hoạt động tình nguyện là chiến dịch mùa hè xanh với việc
“Tình nguyện tập trung” việc đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên: Huy động trên 750 lượt đoàn viên thanh niên, sinh viên tham gia.
Phong trào “Thanh niên tình nguyện” được sinh viên nhà trường hưởng ứng thiết thực và hiệu quả
Các hoạt động tình nguyện tại chỗ của đoàn viên, sinh viên được coi trọng. Ngoài các hoạt động mũi nhọn hướng vào việc giải quyết những khó khăn, bức xúc của xã hội, sinh viên còn thực hiện tốt phong trào
“Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, “Hiến máu nhân đạo” hàng năm để cứu giúp người bệnh được đoàn viên, sinh viên nhiệt tình hưởng ứng với trên 1500 đoàn viên, sinh viên đăng ký tham gia hiến máu và đã hiến được gần 1400 đơn vị máu.
Sinh viên nhà trường hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”,
“Hiến máu nhân đạo”
Để thiết thực chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường lần thứ 14. BCH Đoàn trường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: các liên chi đoàn hưởng ứng phong trào giờ học tốt; một số phong trao thể thao đã được diễn ra sôi nổi; hoạt động của các câu lạc bộ đã và đang trở thành sân chơi bổ ích đối với sinh viên trong nhà trường… Những hoạt động đoàn thể trên đã giúp Đoàn viên thanh niên là cán bộ - giảng viên, sinh viên được giao lưu, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong nhà trường.
Sinh viên tham gia giả cờ vua, cờ tướng chào mừng 85 năm thành lập ĐTN CS Hồ Chí Minh
Với những thành quả đã đạt được, Đoàn trường Đại học Sao Đỏ đã, đang và sẽ là đại diện cho tuổi trẻ Nhà trường tiếp tục viết bản hùng ca của mảnh đất Chí Linh
“địa linh nhân kiệt”. Những phong trào Đoàn luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị Nhà Trường, nhiệm vụ của Tuổi trẻ Việt Nam, các phong trào Đoàn, Hội đang mang một sức sống mới trong thế kỉ XXI – Thế kỷ của hội nhập, phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.