TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG
Sinh viên NCKH là một trong những phương thức học tập hiệu quả nhất hiện nay, bởi trong quá trình nghiên cứu, sinh viên có thể tiếp cận kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau: qua bài giảng trên lớp, nghiên cứu tài liệu, sách, báo trên Internet, hoặc các sản phẩm thực tiễn trong cuộc sống… qua đó tạo cho mình cách học tập khoa học và khơi gợi khả năng sáng tạo. Có thể khẳng định rằng, sinh viên tham gia NCKH sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân, trong đó có những lợi ích sau:
Thứ nhất, NCKH không những giúp sinh viên nắm chắc kiến thức mà còn tiếp cận nhiều hơn kiến thức mới
Mỗi sinh viên thi tham gia NCKH đều đòi hỏi phải có nền tảng kiến thức cơ bản, nhưng không chỉ dừng lại ở các kiến thức đó, trong quá trình nghiên cứu còn đòi hỏi người nghiên cứu không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức của mình. Do đó việc tìm kiếm và đọc thêm các tài liệu bổ trợ là cần thiết. Điều này tạo cho sinh viên kỹ năng nghiên cứu và kiến thức phục vụ cho đề tài của sinh viên sẽ tăng lên. Đồng thời, các em có cơ hội được làm việc cùng với giảngviên hướng dẫn (GVHD) nên sẽ được định hướng và chỉ dẫn thấu đáo hơn đối với các vấn đề nghiên cứu.
Các sản phẩm trưng bày của sinh viên tham gia cuộc thi “Sinh viên sáng tạo khoa học công nghệ lần thứ III năm học 2018-2019”
Sinh viên Trần Đức Hưng, Lớp DK9 –KTDK&TĐH khoa Điện - thành viên nhóm tham gia nghiên cứu đề tài: “Hệ thống tự động kiểm soát nhiệt độ môi trường nhà kính trồng rau” đạt giải Ba Cuộc thi sinh viên sáng tạo khoa học công nghệ lần thứ III chia sẻ: “Tham gia NCKH giúp em học tập được rất nhiều điều, từ kiến thức đến khả năng sáng tạo. Chúng em luôn dành phần lớn thời gian để tìm tòi, đọc tài liệu, tra cứu Internet để hoàn thành đề tài của mình, những kiến thức đã học được bồi đắp sâu hơn, rộng hơn… điều đó đã giúp chúng em có đầy ắp những kiến thức mới”.
Thứ hai: Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên phát triển và rèn luyện các kỹ năng tư duy sáng tạo, làm việc độc lập và làm việc theo nhóm
Khi tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ tập làm quen với một đề tài nghiên cứu quy mô nhỏ (dành cho một sinh viên tham gia nghiên cứu), sinh viên sẽ được tiếp cận với những vấn đề cụ thể, có ý thức đào sâu suy nghĩ và tập cách tư duy để tự nghiên cứu giải quyết một vấn đề. Trong quá trình thực hiện đề tài sinh viên sẽ nảy sinh ra nhiều hướng giải quyết khác nhau. Quá trình này sẽ giúp sinh viên rèn luyện tư duy độc lập, biết bảo vệ lập trường khoa học của mình. Đối với đề tài khoa học có quy mô lớn hơn thường do một nhóm từ hai sinh viên trở lên cùng thực hiện. Vì vậy việc cùng thực hiện một đề tài nghiên cứu cũng giúp sinh viên phát triển các kỹ năng làm việc theo nhóm với sự chia sẻ ý thức và trách nhiệm, thêm vào đó là biết phân công công việc phù hợp với khả năng và sở trường của từng thành viên.
TS Nguyễn Trong Các – Trưởng khoa Điện khai mạc Cuộc thi: “Robot Tour: Đường đến vinh quang” hưởng ứng phong trào sinh viên khoa Điện hướng tới cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư
Sinh viên Khoa Điện tham gia cuộc thi Robot Tour: “Đường đến vinh quang”
Sinh viên Dương Ngọc Linh – Đội trưởng đội tuyển VHC QUEEN tham gia Cuộc thi Sáng tạo Robot toàn quốc năm 2019 cũng là một thành viên kỳ cựu trong đội tuyển Robocon trường Đại học Sao Đỏ cho biết: “Tham gia nghiên cứu sáng tạo robot, chúng em học được cách làm việc khoa học, học cách tư duy độc lập đối với mỗi vấn đề được giao trong nghiên cứu. Đặc biệt là học được cách làm việc nhóm. Để nhóm được tiến bộ, chúng em dựa vào thế mạnh của mỗi thành viên để phân công công việc. Quá trình làm việc, chúng em học hỏi lẫn nhau qua sự chia sẻ kiến thức mỗi thành viên trong nhóm để cùng tiến bộ”.
Những hình ảnh đẹp của sinh viên Đại học Sao Đỏ trong Cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam năm 2019
Thứ ba: Phát triển và rèn luyện kĩ năng mềm trong đó có kỹ năng thuyết trình để bảo vệ đề tài nghiên cứu của mình
Bên cạnh đó, việc thực hiện và bảo vệ một đề tài nghiên cứu khoa học sẽ rèn giũa cho sinh viên kỹ năng diễn đạt, trình bày một vấn đề, kỹ năng thuyết trình, tập cho sinh viên phong thái tự tin khi bảo vệ trước hội đồng khoa học. Đây cũng là trải nghiệm rất quý báu và thú vị mà không phải bất kỳ sinh viên nào cũng có được trong quãng đời sinh viên của mình.
Sinh viên Vũ Trung Kiên, thuyết trình đề tài “Rơm rạ và bài toán xử lý” tham gia Cuộc thi Ý tưởng thanh niên tình nguyện
Sinh viên Vũ Trung Kiên, lớp DK7-KTĐK &TĐH – một trong những thủ lĩnh sinh viên đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi “Ý tưởng sinh viên tình nguyện” năm 2019 do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam tổ chức với đề tài “Rơm rạ và bài toán xử lý” cho biết: “Nghiên cứu khoa học giúp em rèn luyện được các kỹ năng mềm cần thiết ngoài xã hội, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình. Để có được kỹ năng thuyết trình tốt, em luôn tìm hiểu vấn đề một cách cặn kẽ và sâu sắc đồng thời luôn luyện tập cách truyền đạt nội dung đến với người nghe hiệu quả nhất”.
Thứ tư: Xây dựng hành trang cho mình bằng những thành tích đạt được và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp
Bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm thu được thông qua việc nghiên cứu khoa học, sinh viên còn tạo dựng được những thành tích tốt trong quá trình học tập. Mỗi sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài nghiên cứu sẽ được cộng thêm điểm rèn luyện. Những đề tài đạt giải được Nhà trường và các tổ chức trong xã hội khen thưởng. Đây cũng là cách thức giúp xây dựng hành trang trước khi tốt nghiệp của mình. Với những thành tích đạt được trong quá trình học tập, những sinh viên tích cực NCKH sẽ được các công ty, doanh nghiệp để ý đến và tạo cơ hội vào làm việc ưu tiên hơn cả.
TS Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó Hiệu Trưởng nhà trường trao thưởng cho nhóm tác giả đạt giải Nhất tại Hội thi Sinh viên sáng tạo khoa học và Công nghệ năm học 2018-2019
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên đã góp phần phát huy được tính năng động, sáng tạo, khả năng tư duy độc lập, tự nghiên cứu và khả năng làm việc nhóm của sinh viên. Qua đó giúp sinh viên trau dồi kiến thức, phát huy những điểm mạnh, áp dụng khoa học công nghệ vào giải quyết vấn đề thực tiễn, tích lũy kỹ năng nghề nghiệp… để đảm bảo sinh viên sau khi ra trường đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.
Tác giả bài viết: Thanh Lan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn