Từ trường là môi trường vật chất đặc biệt tồn tại quanh các dòng điện, tuy nhiên con người rất khó cảm nhận được sự tồn tại của từ trường nếu chỉ sử dụng các giác quan của mình. Những kiến thức về từ trường trong vật lý mà sinh viên được học chủ yếu thông qua hình thức tư duy trừu tượng. Để giúp sinh viên hiểu hơn các đặc điểm, tính chất của từ trường, đồng thời khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu và tinh thần sáng tạo trong sinh viên, hội thi sáng tạo vật lý được tổ chức và thu hút nhiều sinh viên khối kỹ thuật của các lớp Đại học khóa 12 tham gia.
Hội thi sáng tạo vật lý với chủ đề: Năng lượng từ trường thu hút nhiều sinh viên Đại học khóa 12 tham gia
Vận dụng kiến thức vật lý đã học, từ những vật liệu và các thiết bị đơn giản, các nhóm sinh viên đã thiết kế, chế tạo ra những mô hình thí nghiệm trực quan sinh động như: Mô hình máy phát điện xoay chiều 1 pha và từ phổ (DK12-D1); Mô hình từ phổ 2D và 3D (DK12-D3); Đệm từ trường (DK12-TDH1); Mô hình nam châm điện và chốt cửa điện (DK12-TDH2); Tesla coil - Nguồn điện không dây (DK12-TDH4); Mô hình máy phát điện xoay chiều (DK12-ĐT) và Đèn không dây cảm ứng điện từ (DK12-CĐT). Với lòng quyết tâm và sự kiên trì nghiên cứu, sáng tạo, sau nhiều lần thử nghiệm các bạn đã hoàn thiện sản phẩm của mình.
Các nhóm thuyết trình sản phẩm tại Hội thi
Sinh viên và thầy cô tham gia trải nghiệm các mô hình
Tại Hội thi, bằng sự hiểu biết, tự tin và sự chuẩn bị chu đáo các trang thiết bị cần thiết, 07 sản phẩm đã được các nhóm lần lượt trình bày. Mỗi sản phẩm các nhóm thuyết trình đã mô tả rất chi tiết: Từ ý tưởng thiết kế, cấu tạo, chức năng và các ứng dụng của sản phẩm vào trong quá trình dạy và học các môn học vật lý có liên quan, đồng thời có thể phát triển ứng dụng trong thực tế.
Một số sản phẩm thiên về mô tả tính chất và hiện tượng của từ trường, từ phổ giúp cho người xem có một cái nhìn trực quan sinh động hơn về những kiến thức vốn chỉ được học qua tư duy trừu tượng. Điển hình như sản phẩm: “Mô hình từ phổ 2D và 3D (DK12-D3)”, nhóm tác giả đã làm các thí nghiệm để thầy cô và các bạn thấy được các chức năng thể hiện từ phổ 2D của dòng điện thẳng, dòng điện tròn, ống dây mang dòng điện và thể hiện từ phổ 3D nam châm vĩnh cửu. Mô hình từ phổ 2D và 3D được ứng dụng trong dạy và học các bài liên quan đến từ trường, từ phổ.
Ngoài việc mô tả các hiện tượng vật lý của từ trường, các sản phẩm còn thể hiện tính năng cũng như những ứng dụng trong thực tế của nó một cách rõ ràng. Điển hình như sản phẩm: “Mô hình nam châm điện và chốt cửa bằng điện” của nhóm sinh viên lớp DK12-TDH2. Các chức năng của mô hình đã thể hiện từ phổ của nam châm điện, nam châm vĩnh cửu chữ U; Thể hiện sự ảnh hưởng của dòng điện đến từ trường của nam châm điện; Mô tả sự tương tác giữa nam châm điện và nam châm vĩnh cửu và ứng dụng của nam châm điện trong chế tạo chốt cửa bằng điện. Mô hình này cũng được nhóm tác giả ứng dụng trong dạy và học các bài liên quan đến từ trường và tương tác từ trong chương trình Vật lý ứng dụng. Trong thực tế có thể ứng dụng để chế tạo rơ-le điện từ trong các hệ thống tự động.
Còn đối với sản phẩm: “Tesla coil - Nguồn điện không dây”, nhóm tác giả mô tả các chức năng của sản phẩm như: Tạo từ trường biến thiên, tạo dòng plasma trong phạm vi hẹp. Ngoài việc ứng dụng trong dạy học các bài liên quan đến hiện tượng cảm ứng điện từ, mô hình này còn có thể phát triển ứng dụng trong thực tế như: chế tạo sạc không dây, chế tạo hệ thống chiếu sáng không tiếp xúc, Ion hóa không khí và tạo dòng plasma sử dụng trong công nghệ hàn nhôm.
Sau khi nghe các nhóm thuyết trình, Ban Giám khảo Hội thi đã đánh giá, lựa chọn ra những sản phẩm tiêu biểu và trao giải Nhất cho lớp DK12-TDH2; giải Nhì cho lớp DK12-TDH4; 02 giải Ba cho lớp: DK12-D3 và DK12-CĐT và 03 giải Khuyến khích cho lớp DK12-D1, DK12-TDH1, DK12-ĐT.
TS. Nguyễn Viết Tuân – Trưởng khoa Khoa học cơ bản (đứng thứ 5 từ phải sang) trao giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cho các nhóm tham gia Hội thi
Sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô tại Hội thi
Hội thi sáng tạo vật lý với chủ đề: Năng lượng từ trường là một sân chơi bổ ích cho sinh viên, giúp cho các bạn hiểu hơn về tầm quan trọng của kiến thức vật lý trong cuộc sống con người, đặc biệt là cách vận dụng các kiến thức đó đối với ngành học của mình. Thông qua cuộc thi, sinh viên đã nâng cao kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và phương pháp làm việc nhóm hiệu quả. Các sản phẩm này được các nhóm tặng cho khoa Khoa học cơ bản làm mô hình thí nghiệm phục vụ cho quá trình giảng dạy môn vật lý trong nhà trường.
Một số hình ảnh tại Hội thi: