Nối nghiệp truyền thống gia đình, Nam lựa chọn ngành Cơ khí, Trường Đại học Sao Đỏ để học tập. Có được kết quả học tập tốt, ngay từ năm đầu học tại trường, em đã tìm cho mình phương pháp học hiệu quả, cùng với đó là việc lập kế hoạch học tập cho bản thân trong từng năm học để lấy đó là mục tiêu phấn đấu. Kết quả học tập trong các học kỳ, Nam đều đạt loại xuất sắc, giỏi và giành học bổng khuyến khích của nhà trường. Chia sẻ với bạn bè về phương pháp học, em cho biết: “Muốn học tốt, trước tiên các bạn cần xác định rõ việc học là nền tảng và là con đường duy nhất để mỗi người lập thân, lập nghiệp, kèm theo đó là phải có đam mê với ngành nghề mình lựa chọn. Trong quá trình học tập, ngoài kiến thức tiếp thu trên lớp các bạn cần bổ sung những kiến thức mới bằng việc học tập tìm tòi trên Internet, ngoài xã hội, để trau dồi kiến thức, kỹ năng và vốn sống cho mình”.
Phạm Khắc Nam – Đội trưởng đội SAODO – CK1 chuẩn bị cho trận đấu tại vòng chung kết toàn quốc tại Cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam 2018
Với niềm đam mê công nghệ robot, ngay từ năm đầu tiên, Nam đã tham gia Câu lạc bộ robot, là một trong số những sinh viên tích cực trong đội tuyển robocon của khoa Cơ khí và nhà trường. Nam chia sẻ: “Trong quá trình tham gia chế tạo robot em học thêm được nhiều kiến thức về thiết kế cơ khí, nâng cao tay nghề của mình. Ngoài ra em còn được học và tìm hiểu nhiều về kiến thức lập trình – lĩnh vực của ngành điện tử. Hai lĩnh vực cơ khí và điện tử sẽ bổ trợ cho nhau giúp em hoàn thiện chương trình học tập tại trường một cách tốt nhất”.
Nam và các thành viên đội tuyển SAODO – CK1 sẵn sàng tham gia vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam 2018
Khi mới tham gia sáng tạo robot, Nam đã làm quen, tìm hiểu về robot bằng cách và học hỏi từ các anh khóa trên. Với niềm đam mê, tìm tòi, sáng tạo trong hai năm 2016, 2017 đã giúp Nam ngày một trưởng thành hơn. Năm 2018, Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam khởi động, với vai trò là đội trưởng đội robocon SAODO – CK1, Nam cùng các thành viên nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu thảo luận, lên ý tưởng để thiết kế, chế tạo robot. Trong thời gian chuẩn bị thi đấu vòng loại, Nam đã dốc toàn bộ thời gian, sức lực của mình vào nghiên cứu, là người lập trình cho robot tự động Nam cho biết: “Với chủ đề của năm nay, robot tự động được sử dụng cảm biến la bàn để xác định góc quay; sử dụng cảm biến áp suất khí để tính lực bắn chính xác; sử dụng máy nén khí mini tích hợp trên robot; lập trình vi điều khiển chạy hệ điều hành song song để xử lý đa tác vụ… đây là các kiến thức mới được áp dụng vào robot giúp robot chạy nhanh và có độ chính xác cao”. Để đội tuyển robot đạt được thành tích trong cuộc thi, Nam cùng các thành viên không quản ngày đêm nghiên cứu chế tạo. Mỗi lần luyện tập chuẩn bị cho thi đấu cả đội phải mất khá nhiều thời gian hiệu chỉnh để có kết quả cao nhất.
Với quyết tâm cao, cùng sự kiên trì, tìm tòi sáng tạo sáng tạo của Nam và các thành viên đội tuyển robocon khoa Cơ khí, ba năm liên tiếp (2016, 2017, 2018), đội tuyển của khoa đã vượt qua vòng loại khu vực phía Bắc và là đại diện cho đội tuyển robocon Trường Đại học Sao Đỏ tham gia vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam.
Nam và các thành viên trong đội tuyển say mê nghiên cứu, chế tạo robot
Bên cạnh thành tích học tập tốt, Nam còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên như: Tham gia đội thanh niên xung kích khoa Cơ khí, tham gia CLB Sáng tạo trẻ, CLB cơ điện tử, CLB thiện nguyện tay chung tay… sinh hoạt tại các câu lạc bộ đã giúp Nam tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống và các mối quan hệ xã hội để chuẩn bị hành trang cho mình.
Sắp bước sang năm thứ 4 – năm cuối cùng của cuộc sống sinh viên, Phạm Khắc Nam đã có những dự định của mình, em cho biết: “Em sẽ khởi nghiệp kinh doanh với nghề cơ khí, bởi đây là nghề mà gia đình em đã làm từ lâu. Với kiến thức đã học và những trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp trong 4 năm học tập tại Trường Đại học Sao Đỏ, em tin là mình sẽ làm tốt dự án khởi nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp”. Để hoàn thiện dự định đó, hiện nay, Nam đang tiếp tục học ngoại ngữ, tham gia làm thêm tại một số công ty chuyên sản xuất các thiết bị cơ khí để học tập, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Với những hoạch định cho tương lai cùng niềm đam mê nghề nghiệp, sáng tạo khoa học, chắc chắn, chàng sinh viên khoa Cơ khí sẽ thành công trên con đường lập nghiệp của mình!