Tham dự hội thảo về phía Sở Khoa học và Công nghệ có TS Lê Lương Thịnh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương. Về phía các Nhà khoa học có: TS Đào Trọng Hiếu – Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TS Nguyễn Công Thành, TS Đỗ Đà Giang, TS Nguyễn Mạnh Hùng – Khoa Nông học Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang; TS Hoàng Kim Huế - Viện Hóa học môi trường Quân sự. Về phía Trường Đại học Sao Đỏ có TS Đỗ Văn Đỉnh – Phó Hiệu trưởng cùng các Nhà khoa học trong lĩnh vực Hóa học, Vật lý, Kinh tế nông nghiệp và các chuyên viên phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế. Hội thảo còn có sự tham dự đại diện các doanh nghiệp, các Công ty Cổ phần Hóa chất, Thực phẩm Châu Á; Công ty Cổ phần Hóa Dược phẩm Bắc Ninh… và đại diện của hơn 20 hợp tác xã, cụm hộ sản xuất rau màu và 10 thành viên nhóm nghiên cứu đề tài.
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, các công ty, doanh nghiệp và đại diện của hơn 20 hợp tác xã, cụm hộ sản xuất rau màu và các thành viên nhóm nghiên cứu đề tài
TS Đỗ Văn Đỉnh – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, TS Đỗ Văn Đỉnh – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: đề tài
“Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng màng phủ sinh học tự phân hủy phục vụ sản xuất rau màu trên địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương” là một trong những nhiệm vụ khoa học được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương ký Hợp đồng với Trường Đại học Sao Đỏ. Sau một thời gian nghiên cứu với những kết quả đã đạt được Trường Đại học Sao Đỏ tổ chức hội thảo với mong muốn nhận được những ý kiến của các nhà khoa học, các công ty, doanh nghiệp, bà con nông dân tại các hộ sản xuất rau màu đóng góp về mặt chuyên môn để nhóm tác giả hoàn thiện đề tài.
TS Lê Lương Thịnh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, TS Lê Lương Thịnh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Với mục tiêu khoa học công nghệ bám sát định hướng ứng dụng trong thực tế sản xuất của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sở luôn quan tâm đến các nhiệm vụ khoa học mang lại giá trị kinh tế và môi trường. Trường Đại học Sao Đỏ là một trong những đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học mạnh, nhiều đề tài của nhà trường đã được áp dụng rất tốt vào thực tiễn. Đối với đề tài “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng màng phủ sinh học tự phân hủy phục vụ sản xuất rau màu trên địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương”, đồng chí ghi nhận kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả trong thời gian qua và đề nghị tại hội thảo này, nhóm tác giả và nhà trường tiếp tục hoàn thiện đề tài để nghiệm thu cấp cơ sở tiến tới nghiệm thu cấp tỉnh.
ThS Bùi Văn Tú – Chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm tác giả báo cáo nội dung thực hiện đề tài tại hội thảo
Tại hội thảo ThS Bùi Văn Tú – Chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm tác giả báo cáo nội dung thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng màng phủ sinh học tự phân hủy phục vụ sản xuất rau màu trên địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương”. Báo cáo đã nêu bật được tình hình nghiên cứu và áp dụng màng phủ sinh học tự phân hủy trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay. Với tính ưu việt màng phủ sinh học tự phân hủy thân thiện với môi trường, giảm thiểu giác thải nhựa và giúp giảm khâu làm cỏ cho bà con nông dân trong quá trình trồng rau màu. Quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã áp dụng sản phẩm màng phủ cho các loại cây trồng: Dưa hấu, cà chua, dưa lê trên các lô đất tại phường Thái Học và phường Cộng Hòa thuộc địa bàn thành phố Chí Linh. Nhóm tác giả đã đưa ra các thông số quá trình sinh trưởng của cây trồng, độ ẩm của đất, tốc độ phân hủy của màng, phương pháp định lượng vi sinh vật, hiệu quả kinh tế, chất lượng của các loại rau quả và đặt biệt là hiệu quả đối với môi trường. Sau quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả cũng đưa ra những đánh giá khả năng ứng dụng của sản phẩm: Phủ màng trong trồng trọt mang lại hiệu quả lớn do khả năng ngăn cỏ dại mọc, giảm thất thoát phân bón và giữ độ ẩm cho đất cao, giúp cây trồng phát triển tốt và nhanh thu hoạch hơn; khả năng phân hủy của màng phủ trên đồng ruộng cao; phủ luống bằng màng sinh học tự phân hủy trong đề tài cho chất lượng quả tốt hơn, cho năng suất cao hơn và cho hiệu quả kinh tế đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất.
Các nhà khoa học đánh giá kết quả nghiên cứu và đóng góp ý kiến tại hội thảo
Đại diện các công ty và hộ nông dân phát biểu đóng góp ý kiến thảo luận tại hội thảo
TS Hoàng Thị Hòa – Trưởng khoa Thực phẩm và Hóa học, thành viên nhóm tác giả trao đổi tại hội thảo
Trong nội dung thảo luận, hội thảo đã nhận được 08 ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hộ nông dân. Điển hình có TS Đào Trọng Hiếu - Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thảo luận về thực trạng và định hướng giảm thiểu chất thải nhựa. TS cho rằng, đề tài được nghiên cứu phù hợp với mục tiêu của Chính phủ hiện nay là giảm chất thải nhựa và đề nghị nhóm tác giả sớm hoàn thiện và chuyển giao công nghệ, áp dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực chuyên môn TS Nguyễn Công Thành - Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang đóng góp ý kiến một số giải pháp áp dụng màng phủ sinh học tự phân hủy hiệu quả trên rau màu và một số ý kiến nhận xét của các doanh nghiệp, hộ nông dân trực tiếp sản xuất về giá trị kinh tế khi áp dụng màng phủ sinh học tự phân hủy của nhóm đề tài. Từ những ý kiến đóng góp cởi mở, xây dựng của các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp và bà con nông dân, nhóm tác giả đề tài cùng thảo luận và tiếp thu những ý kiến để hoàn thiện đề tài.
TS Ngô Hữu Mạnh – Trưởng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế kết luận tại hội thảo
Kết luận tại hội thảo TS Ngô Hữu Mạnh – Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế khẳng định, hội thảo đã làm rõ những nội dung đặt ra và tiếp thu được những ý kiến đóng góp, đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và bà con nông dân cùng với sự thảo luận sôi nổi, nhiệt tình của các nhà khoa học nhà trường là cơ sở để nhóm tác giả tiếp thu và hoàn thiện đề tài đúng thời hạn.
Hội thảo: “Mô hình áp dụng sản phẩm màng phủ sinh học tự hủy phục vụ sản xuất rau màu trên địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương” của Trường Đại học Sao Đỏ thành công và mang lại nghĩa thiết thực đối với bà con nông dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp bà con tiếp cận với khoa học công nghệ, tăng năng xuất sản phẩm nông sản và có ý thức trong bảo vệ môi trường hiện nay.